Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này.
Tránh tình trạng “một lần cơ cấu hơn phấn đấu một đời”
Bầu cử QH năm nay có nhiều điểm mới, chẳng hạn tỷ lệ tái cử cao (40% so với 30% khoá trước), khuynh hướng tăng số đại biểu nữ lên 30%... trong khi số đại biểu là doanh nhân không tăng lên. Thưa ông, cơ cấu phần trăm liệu có ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu?
Đại biểu Quốc hội khóa XII thảo luận tại một phiên làm việc tại hội trường. |
- Một yêu cầu quan trọng trong kỳ bầu cử lần này là giải quyết tốt giữa chất lượng và cơ cấu, tránh tình trạng “một lần cơ cấu hơn phấn đấu một đời”. Lấy tiêu chuẩn là điều kiện chủ yếu trên cơ sở kết hợp với cơ cấu. Dân tộc mình là dân tộc đa sắc tộc, đa tôn giáo, nông dân chiếm đa số, nếu không cơ cấu, thì sẽ không có đại diện của những thành phần đó tham gia vào Quốc hội.
Trong mọi giai cấp, tầng lớp, tôn giáo đều có người tài, đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn được người tốt nhất trong cơ cấu. Nhưng không cơ cấu bằng bất cứ giá nào và cũng không thể chỉ có tiêu chuẩn mà không có cơ cấu, vì cơ cấu cũng là tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
Ông nghĩ thế nào trước ý kiến cho rằng một Quốc hội quá nặng tính cơ cấu sẽ làm giảm chất lượng đại biểu vì tình trạng “ngồi cho đủ mâm”?
- Như tôi đã nói, trên cơ sở tiêu chuẩn để cơ cấu và cơ cấu cũng là thể hiện tiêu chuẩn.
Một hình ảnh rất dễ nhận thấy là có rất nhiều đại biểu trong cả 4 năm làm đại diện cho cử tri đã không hề phát biểu, không bày tỏ chính kiến, không phản ánh ý kiến nguyện vọng của họ. Đây có phải là vấn đề chất lượng đại biểu?
- Hiện nay có tình trạng một số đại biểu bị cử tri phản ánh là trong suốt nhiệm kỳ không phát biểu công khai một lần nào. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải nhìn nhận ở cả 2 chiều. Một phần là vì mỗi kỳ họp Quốc hội chỉ đủ thời gian cho không quá 25 đại biểu phát biểu công khai. Như vậy, mỗi năm chỉ có khoảng 50 đại biểu phát biểu.
Nhưng phải nói thật, thực chất cũng có đại biểu không đủ trình độ nắm bắt được những vấn đề Quốc hội yêu cầu, do đó không phát biểu được. Do vậy, về phía Quốc hội đòi hỏi phải có sự đổi mới cách điều hành để mọi đại biểu có thể phát biểu công khai tại hội trường.
Đại diện doanh nghiệp tư nhân ngại vào Quốc hội
Quan điểm của cá nhân ông thế nào về việc nâng cao số đại biểu QH chuyên trách có trình độ tương đương với vụ trưởng (ở trung ương) và phó chủ tịch tỉnh, HĐND tỉnh (ở địa phương)?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm phải nâng dần tỷ lệ đại biểu chuyên trách để tiến tới là Quốc hội của những người chuyên trách. Nhưng để đạt được phải có thời kỳ quá độ. Hiện nay, một đại biểu đóng “hai vai” thì không thể hoàn thiện được vì sức người có hạn, thời gian lại không cho phép.
Tại sao lại phải có cơ cấu 15-20% người ngoài Đảng, khi chúng ta tuyên bố các ứng viên bình đẳng trong cuộc bầu cử?
- Sở dĩ phải đặt ra vấn đề quy định tỷ lệ cho người ngoài Đảng vì hiện nay có một nhận thức không đúng rằng những người tốt thì vào Đảng hết. Tôi không cho rằng trong hơn 90 triệu dân thì chỉ có 4 triệu đảng viên là người tốt. Có rất nhiều lý do để những người tốt chưa vào Đảng và chưa muốn vào.
Thực tế hiện nay qua làm công tác mặt trận, tôi thấy rất nhiều người ngoài Đảng xứng đáng vào Quốc hội, nhưng qua 4 - 5 nhiệm kỳ vừa qua, mình vận động nhưng họ vẫn từ chối.
Tôi lấy ví dụ hồi cố Chủ tịch Mặt trận Lê Quang Đạo mời mãi mà ông Dương Minh Long (gốm sứ Minh Long- PV), hay ông Vưu Khải Thành đều từ chối, dường như họ ngại vào vì sợ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, hoặc sợ không làm tròn trách nhiệm. Trong khi đó, các đại diện doanh nghiệp nhà nước lại tha thiết muốn vào.
Phương Hà (thực hiện)