Ngày 11.9.2009, lần đầu tiên trong 10 năm tại Hà Nội mới có hai đối tượng bị bắt giữ và khởi tố vì cho vay nặng lãi. Đó là Đào Anh Dũng và vợ là Quách Thanh Hằng (cùng trú tại số 3B Hoàng Hoa Thám, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông). Tuy nhiên, trên toàn thành phố, các đơn trình báo về cho vay nặng lãi rất nhiều.
Theo các đơn trình báo, loại hình tội phạm này diễn ra tinh vi, và khó kiểm soát. Có trường hợp khi vay 1 tỷ đồng, ngay sau khi làm giấy vay nợ với số tiền 1 tỷ đồng, chủ vay đã cắt ngọn ngay 400 triệu đồng (tiền lãi). Như vậy số lãi (một căn cứ để kết tội) không được thể hiện bằng văn bản. Với những trường hợp kiểu này, chủ cho vay hoàn toàn có thể đưa con nợ ra toà và dùng những công cụ trợ giúp của pháp luật để đòi nợ.
Theo Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội thì tất cả các vụ cho vay nặng lãi đều là các giao dịch dân sự với các thoả thuận tự nguyện từ hai phía. Chính vì vậy, khi vụ án bị phát giác rất có thể, người đi vay (nạn nhân) sẽ bị liên đới với tội danh: Không tố giác tội phạm.
Chính vì thế, các vụ cho vay nặng lãi chỉ được phát hiện khi nó đã biến thành các tội danh liên quan: Cưỡng đoạt tài sản, hành hung người khác, làm nhục người khác…
Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra thì văn bản hướng dẫn thi hành luật về tội danh này vô hình đã trở thành một rào cản trong việc đưa tội cho vay nặng lãi ra ánh sáng.
Điều 163 – BLHS quy định: Người nào cho vay với mức lãi suất cao gấp 10 lần (so với lãi suất của Ngân hàng Nhà nước) trở lên thì phạm tội này. Tuy nhiên, phải chứng minh được rằng các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động chuyên nghiệp và lấy số lãi làm nguồn sống chính.
Các điều tra viên của Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội cho biết: Việc xác định được hai yếu tố đó để cấu thành tội danh này rất mơ hồ và khó xác định.
Chính vì tính mơ hồ của văn bản hướng dẫn thi hành luật này, nên cho dù việc cho vay nặng lãi đang diễn ra phức tạp nhưng số vụ án bị xử lý mới chỉ có một vụ duy nhất trong 10 năm qua.
Tường Anh