Dân Việt

Nên sớm lập quỹ bảo vệ người trồng cà phê

14/03/2011 17:55 GMT+7
(Dân Việt) - Chiếm khoảng 2% GDP, ngành cà phê đã có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, là nguồn sống chủ yếu của hơn 2 triệu lao động, nhưng từ khâu sản xuất đến khâu xuất khẩu cà phê luôn tiềm ẩn bất ổn.

Bức tranh cà phê Việt Nam

Ngày 13.3, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) nghịch lý trên đã được đưa lên bàn nghị sự. Báo cáo đề dẫn của Bộ NNPTNN tại "Hội nghị phát triển cà phê bền vững” cho thấy: Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2000 là 483 triệu USD thì 4 năm sau đã lên 734 triệu USD và đạt kỷ lục 2,1 tỷ USD vào năm 2008.

img
Sản xuất theo hướng bền vững chính là con đường cho cà phê Việt Nam.

Với giá trị tổng sản lượng chiếm khoảng 2% GDP, ngành cà phê đã có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, là nguồn thu nhập chủ yếu của hơn nửa triệu hộ gia đình và hơn 1,6 triệu lao động. Song nếu niên vụ 2008/2009 với lượng xuất khẩu trên 1,17 triệu tấn, kim ngạch 1,942 tỷ USD, thì vụ 2009/2010, sản lượng sản xuất chỉ còn gần 1,04 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên 1,66 tỷ USD (nhưng nhờ số lượng tồn kho vụ trước khá lớn).

Năm 2010, ngành cà phê đã phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng khi giá cà phê xuống thấp. Vụ cà phê tới cũng được dự báo có diễn biến thất thường do biến đổi khí hậu, tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

Hiện nay, cả nước có khoảng 540.000 ha cà phê với sản lượng trên 1 triệu tấn. Nhưng đáng quan tâm là diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh cho năng suất thấp chiếm đến gần 100.000 ha. Thứ nữa là tình trạng bón phân, tưới nước quá mức, không trồng cây che bóng, hái tuốt cành vẫn phổ biến. Tỷ lệ diện tích cà phê có chứng chỉ sản xuất bền vững chỉ chiếm khoảng 10%.

“Để tồn tại, cần phải thông minh”

Theo Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, để giải quyết “các vấn đề” của cà phê trước tiên phải cần một lượng vốn ưu đãi lớn để tái canh gần 30% diện tích cà phê già cỗi. Các vùng có độ cao thích hợp cần chuyển đổi sang trồng cà phê Arabica. Áp dụng quy trình trồng cà phê GAP, chứng nhận cà phê Utz, cà phê cân bằng, cà phê Rain Forest… Tăng cường chế biến cà phê ướt, đấy mạnh đầu tư sản xuất cà phê hòa tan, để giải quyết vấn đề về xuất khẩu.

Ông José Sette- Giám đốc điều hành ICO (Hiệp hội Cà phê thế giới), cho biết: “Cơ hội của Việt Nam đó là cà phê tồn của thế giới thấp, trên thị trường cung tăng chậm hơn cầu và dự kiến trong 3 năm tới giá cà phê còn tiếp tục tăng.”

Cũng theo ông José, Brazil đã từng có một thời gian dài không thể kiểm soát được giá cà phê và họ giải quyết vấn đề đó bằng việc thành lập quỹ bảo vệ người trồng cà phê. Quỹ này giúp người trồng cà phê được lợi ngay cả khi giá cả xuống thấp nhất. Và đó chính là yếu tố giúp cho người dân yên tâm phát triển cà phê theo hướng bền vững. Còn người nông dân VN vẫn chịu thiệt thòi cả khi giá cà phê lên cao.

Cần sớm lập quỹ để hỗ trợ người dân

Giáo sư Perter Timmer- Trường Đại học Harvard cho rằng: Việt Nam cần xây dựng mô hình “cà phê mới” với khởi đầu là tập quán canh tác bền vững và chất lượng cao và duy trì nó. Các việc tiếp theo đó là tạo nguồn thu nhập “công bằng” cho người dân; Nguồn thu nhập và giá thành ổn định; tiếp thị tốt “thương hiệu sản phẩm”; quản lý chất lượng ở khâu thu hoạch, chế biến, phơi sấy, rang say, pha chế, bán hàng; Hoà nhập ngành dọc từ nông trại đến các cửa hàng bán lẻ.

“Để tồn tại không cần mạnh mà cần thông minh. Việt Nam nhất thiết phải có sự chuyển đổi về cơ cấu cho ngành cà phê”- Giáo sư Perter Timmer khẳng định.

Theo Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, đối với thế giới, nhiều năm qua nước ta luôn ở vị trí số 1 về sản xuất cà phê robusta và đứng thứ 2 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm khoảng 15% thị phần cà phê toàn thế giới.