Dân Việt

Trở về từ Libya: Lo tìm việc, trả nợ

14/03/2011 11:20 GMT+7
(Dân Việt) - Trở về quê hương sau quãng thời gian sống trong sợ hãi tại Libya, cảm xúc đoàn tụ còn chưa tan hết thì nhiều lao động đã cảm thấy bế tắc trong tìm việc làm mới...

Ghi nhận của PV NTNN tại Nghệ An.

Rằng vui thì thật là vui…

img
Anh Tạ Nam Anh, Tạ Văn Giang trò chuyện về các vấn đề “hậu” Libya .

Ròng rã cả tuần trời bám trụ ở sân bay Nội Bài (Hà Nội), cuối cùng anh Tạ Nam Anh (Nghệ An) cũng đón được em trai Tạ Văn Giang trở về từ Libya. Trò chuyện cùng chúng tôi tại gia đình ở khối Vĩnh Thành, phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh, Tạ Văn Giang bộc bạch: “Sau mấy ngày gặp gỡ bạn bè chia sẻ niềm vui về nước an toàn, tôi đang lo tìm việc làm để trả nợ”.

Tương tự, vừa về đến Việt Nam, anh Nguyễn Văn Hoan (xã Nghi Xuân, Nghi Lộc) đã lập tức phải đối diện với những khoản nợ chồng chất chẳng biết đến lúc nào mới trả hết. Anh Hoan cho biết: “Trước khi sang Libya, tôi vay tổng cộng 55 triệu đồng. Trong thời gian làm việc, tôi gửi về nhà được 1.200USD để trả các khoản nợ nóng, nhưng đến giờ vẫn còn nợ ngân hàng 19 triệu đồng. Bây giờ, tôi chẳng biết phải làm thế nào bởi không dễ để tìm ngay được việc làm phù hợp”. Cùng quê anh Hoan, anh Nguyễn Đức Hùng vốn chỉ hành nghề xích lô đã phải chắt bóp và thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng 45 triệu đồng cho con trai là Nguyễn Đức Mạnh đi Libya làm ăn. Giờ gia đình đoàn tụ theo cách chẳng ai ngờ khi khoản nợ vẫn còn treo lơ lửng trên đầu mà chẳng biết đến khi nào mới trả hết.

Điều rất dễ hiểu là lao động đi xuất khẩu lao động tại Libya đều có điều kiện kinh tế khó khăn nên khi xảy ra sự cố, họ trở thành gánh nặng của gia đình. Trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để giúp đỡ người lao động Việt Nam trở về từ Libya tìm được việc làm trong thời gian ngắn nhất?”, ông Nguyễn Đăng Dương - Trưởng phòng Lao động- Việc làm, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết: “Với những người tiếp tục có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động thì chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện về việc vay vốn, thủ tục và hợp đồng trong khả năng có thể. Ngoài ra, chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ đối tượng này từ Quỹ Hỗ trợ việc làm”.

Không thể “ngồi chờ sung rụng”

Hiện chúng tôi đang có chính sách hỗ trợ lao động trở về từ Libya trình UBND tỉnh xem xét. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là hỗ trợ đi XKLĐ, trên địa bàn có nhiều đối tượng ưu tiên, ưu tiên ai đi trước và đi sau vẫn còn phức tạp.

Câu trả lời của ông Dương rất đúng, nhưng không biết bao giờ cái “sẽ” ấy được thực hiện trong khi người lao động đang nằm dài ở nhà. Nghệ An có hơn 1.500 lao động trở về từ Libya. Trong thời gian này, dù rất mong nhận được sự hỗ trợ về kinh tế, nhưng với bao khó khăn thường nhật, nhiều lao động trở về từ Libya đã ngay lập tức phải nghĩ tới kế sinh nhai. Tạ Văn Giang nói: “Phải tự thân vận động trước khi được giúp đỡ. Công ty trong nước thì nói phải chờ tiền từ chủ nước ngoài. Chủ nước ngoài thì phải chờ đợi được bồi thường khi tình hình ở Libya ổn định... Hiện tôi và nhiều lao động khác rất mong được hỗ trợ học nghề hoặc tìm việc làm phù hợp tại địa phương”.

Cùng quan điểm với Giang, anh Nguyễn Lệ Minh (xóm 9, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn) khẳng định: “Điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, nếu không tìm được việc làm có thể dẫn đến những tác động tiêu cực tới suy nghĩ và cuộc sống của chúng tôi”.

“Theo dõi thời sự thấy Bộ trưởng Ngân (Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân) nói nhiều DN muốn nhận chúng tôi, nhưng nghĩ phải vào tận miền Nam, lương 3-4 triệu đồng, trừ tiền ăn, ở thì cũng chẳng còn mấy gửi về gia đình, nên chưa chắc chúng tôi đã đi”- anh Minh nói.

Việc tiếp tục ra nước ngoài làm việc được nhiều người tính đến, nhưng không phải ai cũng quyết tâm bởi điều kiện kinh tế khiến họ phải suy nghĩ. “Chưa trả hết nợ cũ, giờ muốn đi lao động tiếp thì phải có tiền, mà chúng tôi thì chẳng biết lấy đâu ra. Trước mắt, chúng tôi phải cố gắng tìm việc làm tạm thời để hỗ trợ gia đình và hy vọng sẽ được tạo điều kiện có công việc ổn định” -anh Nguyễn Văn Hoan cho biết.