Xuất hiện nhiều ổ dịch
Bệnh lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát mạnh trong vụ đông xuân 2010-2011. |
Tại Quảng Trị, lúa gieo trà đầu đang giai đoạn đẻ nhánh, lúa trà chính vụ và trà muộn có 2-4 lá, song đã phát sinh bệnh LSĐ trên lúa trà 1 các giống Xi23, IR38, HC 95 tại các huyện, thị như: Cam Lộ, Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa. Diện tích bị nhiễm LSĐ là 120,1ha; tỷ lệ thiệt hại 2-5%, có nơi tới 7-10%. Bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên 105ha diện tích lúa IR38, Xi23...
Ông Nguyễn Văn Thơ - Phó Giám đốc Trung tâm BVTV miền Trung cho biết: Nhiều địa phương của huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã xuất hiện các ổ dịch LSĐ với diện tích gây hại khoảng 70ha. Bệnh đang tiếp tục lây lan sang các huyện khác và diễn biến phức tạp.
Tại Thừa Thiên - Huế, bệnh LSĐ đã phát sinh gây hại trên diện rộng ở nhiều địa phương, diện tích lúa nhiễm bệnh trên 120ha. 8/9 huyện có nguồn bệnh LSĐ, như: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Lộc, A Lưới... Theo đánh giá của Chi cục BVTV tỉnh, bệnh LSĐ có khả năng gây hại trên diện rộng và ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ đông xuân 2010-2011. UBND tỉnh này vừa công bố dịch LSĐ trên địa bàn.
Nguy cơ bệnh bùng phát ở phía Bắc
Ông Bùi Sĩ Doanh - Phó Cục trưởng Cục BVTV
Theo Cục BVTV, do thời tiết đang ấm dần và có mưa phùn nên sâu bệnh hại lúa đang có chiều hướng phát triển nhanh, tập trung trên mạ và lúa xuân mới cấy tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là bệnh LSĐ.
Tính đến nay, bệnh LSĐ đã phát sinh gây hại tại 5 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, với diện tích nhiễm bệnh khoảng 500ha.
Ông Bùi Sĩ Doanh - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Bệnh LSĐ có khả năng lây lan nhanh do rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh có mức độ phát sinh, phát triển “chóng mặt”.
Vì thế, theo ông Doanh, việc LSĐ xuất hiện và gây hại ở Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ đang đe doạ nghiêm trọng diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt ở các vùng có ổ nhiễm bệnh từ vụ trước và các vùng gần với diện tích hiện đang có bệnh.
“Khi phát hiện thấy rầy lưng trắng trên ruộng bệnh phải tiến hành phun ngay bằng thuốc chống lột xác đối với rầy tuổi 1, tuổi 2 hoặc các loại thuổc trừ rầy phù hợp với tuổi rầy, thời kỳ sinh trưởng của lúa” - ông Doanh nhấn mạnh.
Hữu Thông