Dân Việt

Dạy nghề khắc gỗ ở chùa

21/07/2011 20:29 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn một năm nay, chùa Phônôrôka, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng trở thành nơi dạy nghề khắc gỗ cho nhiều tăng sinh. Nhờ vậy, nghề này đang dần phát triển.

Biến vật bỏ đi thành hàng hoá

Tiếp chúng tôi sư Danh Hươl - trụ trì chùa Phônôrôka vui vẻ tâm sự: "Lần đến thăm quan chùa Hang ở Trà Vinh, sư thấy ở đó có mở lớp dạy khắc gỗ, nên nảy ý mời thầy Kiêng Kơng (gần 40 tuổi) đến truyền nghề cho xứ mình".

Sau đó, lớp học nghề của chùa đã có trên 30 học viên theo học, ngoài người trong tỉnh còn có các sư cùng giới trẻ ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long, An Giang đến học... Người học nghề được học kỹ thuật đục đẽo khúc gỗ thành những tượng vật có hồn. Các học viên đã ra trường lập nghiệp chỉ còn lại sư trong chùa vừa tu hành vừa học nghề.

img
Từ bàn tay của các nhà sư chùa Phônôrôka, rễ cây xấu xí trở thành những tác phẩm đẹp.

"Lúc đầu công việc khắc gỗ gặp rất nhiều khó khăn vì đa phần các sư chỉ chú tâm vào công việc học kinh, học viết, nói tiếng Khmer và lo công việc trong chùa nhưng do sự kiên nhẫn rèn luyện và miệt mài với công việc nên đến nay đa phần các sư đã làm được việc và có thu nhập" - sư Hươl cho biết.

Quan sát tại nơi khắc gỗ, chúng tôi nhận thấy có hàng chục tác phẩm được hình thành với những hình dáng và kích thước lớn nhỏ khác nhau như: Rồng phụng bay lượn, 12 con giáp, đại bàng bay lượn, chim bồ câu ngồi trò chuyện... Tất cả đều làm từ những rễ cây xấu xí đã bị bỏ đi hoặc những khúc gỗ phế thải chỉ dùng làm chất đốt. Với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, các nhà sư biến chúng trở thành tác phẩm nghệ thuật vô giá, thu hút nhiều phật tử tới chiêm ngưỡng, học hỏi.

Không ngại khó, không ngại khổ

Sư Lý Anh Tuấn (17 tuổi) vui vẻ cho biết: "Học nghề khắc gỗ thực sự rất khó khăn vì chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm cho sản phẩm của mình xấu đi. Có phục hồi lại thì sản phẩm cũng chẳng được theo ý muốn ban đầu bao nhiêu". Tuy mới biết cầm cây đục nhưng sư Anh Tuấn tỏ ra có năng khiếu vì đã khắc được tượng 12 con giáp. Sư Anh Tuấn nói: “Tất cả là nhờ không ngại khó, không ngại khổ”. Còn sư Thạch Sươl, Sơn Bal, Lý Cường, Thạch Đen cũng tự hào vì mình khắc được đại bàng, chim gấp cá... và cũng đã nhận được đơn đặt hàng của khách, có tiền trang trải chi phí học hành ở Trường Trung cấp Pali Nam Bộ.

img Để chế tác được tượng nhỏ phải mất 2 - 3 ngày, còn tượng lớn phải mất đến vài tháng mới xong. Giá trị mỗi sản phẩm từ 500.000 đồng trở lên có khi đến vài chục triệu đồng. img

Thầy Kiêng Kơng

Theo thầy Kiêng Kơng, để chế tác được tượng nhỏ phải mất 2 - 3 ngày, còn tượng lớn phải mất đến vài tháng mới xong. Giá mỗi sản phẩm từ 500.000 đồng trở lên, có khi đến vài chục triệu đồng. Được biết, mới đây một khách hàng ở Cần Thơ đến chọn mua tượng chim đại bàng giá 7 triệu đồng, nếu tượng to hơn có thể lên đến hàng chục hoặc hàng trăm triệu đồng tùy vào chất liệu gỗ và tính thẩm mỹ của mỗi tác phẩm.

Tại Sóc Trăng, nghề khắc gỗ đang là nghề ăn nên làm ra, thợ giỏi có thể kiếm thu nhập mỗi tháng không dưới 10 triệu đồng vì hiện nay các cơ sở thờ tự có khuynh hướng dùng tượng gỗ đặt ở nơi trang trọng như Phật Đà, tòa sen... Hy vọng trong thời gian sắp tới nghề khắc gỗ ở chùa Phônôrôka sẽ mở rộng ra khắp nơi nhằm tạo ra một vẻ đẹp nghệ thuật cho người dân Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung.