Việc điều hành các doanh nghiệp tư nhân trong nước và liên doanh không phải là mục tiêu của bầu Kiên. Xu hướng đầu tư của ông cho thấy ông thích nắm cổ phần lớn trong ngân hàng và doanh nghiệp hơn là ngồi ghế lãnh đạo.
Nói chính xác, bầu Kiên là dạng nhà đầu tư thầm lặng phục vụ bản thân và một số cổ đông lớn có tiềm lực tài chính, có thể can thiệp vào các doanh nghiệp khi cần thiết để doanh nghiệp đó làm ăn tốt hơn. Tại các thị trường phát triển trên thế giới, đó là một nghề. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi nhà đầu tư phải hội đủ nhiều yếu tố như tầm vóc và tầm nhìn, năng lực tài chính, kiến thức và uy tín.
Từng học Đại học Kỹ thuật Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, sau đó sang Hungary học Trường Kỹ thuật Quân sự Zalkamate (từ năm 1981-1985), ông Kiên tham gia sáng lập ACB vào năm 1994 cùng với các cổ đông khác. Từ năm 1994-2008, ông Kiên đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB.
Theo thông tin của giới ngân hàng, cho tới trước khi từ bỏ chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị ACB vào năm 2008, ông Kiên và vợ là bà Đặng Ngọc Lan đã cùng các thành viên gia đình nắm giữ khoảng 10% cổ phần của ACB. Trong đó, riêng ông được cho là sở hữu 3,75% cổ phần.
Giá trị tài sản tính theo số cổ phiếu ACB ông Kiên nắm giữ năm 2011 vào khoảng 759,6 tỉ đồng (đứng thứ 14 trong top 100 nhà đầu tư giàu nhất trên sàn chứng khoán), trong khi năm 2010 là gần 805,9 tỉ đồng.
Ngoài số cổ phiếu đang nắm giữ tại Ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác. Nhà đầu tư này được cho là cổ đông lớn nhất, chi phối 2 ngân hàng Kiên Long và Đại Á. Việc ông Kiên sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng nhỏ này có thể cấu trúc qua Ngân hàng ACB hoặc một số cá nhân, tổ chức được ủy thác.
Ngoài Kiên Long, Đại Á, có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Trong lễ tổng kết của VFF, ông cho biết mình là “cổ đông chính của Eximbank”. Ông cũng tuân thủ quy định, theo đó mỗi ông bầu chỉ được phép sở hữu một đội bóng tại một giải đấu, thông qua một phát ngôn khác: sẽ bán cổ phần tại Ngân hàng Kiên Long bởi câu lạc bộ bóng đá Kiên Long Bank Kiên Giang được lên chơi ở giải vô địch quốc gia, còn Ngân hàng Kiên Long lại là nhà tài trợ chính cho đội bóng.
Thậm chí, lại xuất hiện tin đồn trong giới đầu tư rằng bầu Kiên là nhân vật chính đã đứng ra dàn xếp việc một số cổ đông nước ngoài lẫn trong nước mua được hơn 45% cổ phần của Ngân hàng Sacombank.
Về khả năng lãnh đạo, thông tin về công việc điều hành của doanh nhân này càng mù mờ hơn. Mặc dù ông Kiên có cổ phần trong các ngân hàng, từng tham gia Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh dầu nhờn Caltex (Mỹ), Công ty Liên doanh KFC Việt Nam, rồi có chân trong Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh, chưa có thông tin nào cho thấy ông là nhà quản trị doanh nghiệp trực tiếp.
Thậm chí, với thương vụ đình đám đầu năm 2011 khi Thiên Minh bỏ ra 45 triệu USD, trong đó Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) rót khoảng 12 triệu USD, để mua lại chuỗi resort Victoria, thì cũng không ai nhắc đến vai trò lãnh đạo của ông.
Một chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp (giấu tên) cũng lắc đầu trước đặt câu hỏi này. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, bất chấp khả năng lãnh đạo vẫn là dấu hỏi lớn, rõ ràng kỹ năng đánh giá cơ hội và khả năng thay đổi (kể cả một hệ thống lớn và rất phức tạp như VFF) của bầu Kiên cho thấy ông là một doanh nhân có nhiều xảo thuật.
Đằng sau doanh nhân này còn nhiều câu hỏi khác, như cách hành xử ở ông hay khả năng điều hành doanh nghiệp, nhưng không thể phủ nhận thuật lãnh đạo của nhà đầu tư thầm lặng này được biểu hiện khá rõ thông qua sự nể trọng và e dè của các nhà lãnh đạo khác dành cho ông.
Ông Kiên ít khi thất bại một khi đã theo đuổi một mục tiêu nào đó. Hoặc những thất bại của ông thường bị vầng hào quang thành công của ông che khuất. Tuy nhiên, đây chính là điểm yếu của bầu Kiên. Quá tự tin có thể dẫn đến thất bại...