Cẩm Xuyên là một trong những huyện đứng tốp đầu ở Hà Tĩnh về sản xuất lúa. Cùng với cây lúa, phát triển chăn nuôi cũng được coi trọng và đã hình thành nhiều gia trại, trang trại thu nhập cao. Tuy nhiên, với nhiều hộ nghèo, ngoài cây lúa họ không có khả năng phát triển chăn nuôi do thiếu vốn, nên thu nhập hết sức bấp bênh.
Chị Hường đầu tư vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi lợn. |
Mỗi năm lãi 50-70 triệu đồng
5 năm lại đây, hàng ngàn hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi thông qua hệ thống Ngân hàng CSXH huyện.
Chị Trần Thị Hường ở thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình cho biết: “Gia đình tôi trước đây thu nhập chủ yếu trông chờ vào ruộng lúa. Mọi chi tiêu trong nhà từ đi chợ mua con cá, chai mắm đều phải xúc lúa đi bán; học phí của các con cũng nhìn vào hạt lúa. Tôi muốn nuôi thêm con lợn, con gà để có đồng ra đồng vào, nhưng ngặt nỗi không có vốn. Tuy nhiên, năm 2010, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội ND, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 20 triệu đồng. Số tiền này tôi dùng mua 5 con lợn giống về nuôi. Tiền bán lợn, tôi mở rộng quy mô nuôi. Hiện nay trong chuồng nhà tôi có 33 con lợn. Ngoài lúa, thu nhập từ chăn nuôi lợn mỗi năm trừ chi phí lãi 50-70 triệu đồng.
Chị Hường chỉ là một trong số hàng ngàn hộ ở Cẩm Xuyên thoát nghèo, có của ăn của để từ đồng vốn vay ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Ngợi-Chủ tịch Hội ND xã Cẩm Bình cho biết: Nhờ các kênh vốn vay phát triển sản xuất mà ở Cẩm Bình phong trào chăn nuôi phát triển nhanh, trong năm 2012 tổng đàn lợn của xã có trên 20.000 con, nguồn thu từ chăn nuôi chiếm tới 66,7% tổng thu nhập từ sản xuất đến nông nghiệp. Tính đến đầu tháng 11.2012, riêng nguồn vốn Ngân hàng CSXH cho các hộ nghèo và hộ chính sách khác vay qua kênh Hội ND là 7 tỷ đồng.
Thủ tục nhanh gọn
Ông Nguyễn Văn Đức- Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên cho biết: Vay vốn Ngân hàng CSXH, người nghèo không chỉ được hưởng ưu đãi với lãi suất thấp mà còn không phải thế chấp tài sản. Đây là cơ hội để hộ nghèo tiếp cận vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ, trong khi họ ít có cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.
Theo ông Đức, để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho đối tượng vay vốn, Ngân hàng mở rộng điểm giao dịch xuống tận 27 xã, thị trấn có cán bộ giao dịch trực tiếp hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn. Hơn nữa, việc vay vốn được bình xét ở địa phương từ thôn, xóm nên nguồn vốn vay đã được triển khai đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.
Lam Khê