Chủ yếu mới tới khâu bán buôn
Ông Chử Đức Nhị - Chủ nhiệm HTX rau Văn Đức (Gia Lâm) cho biết: “Nông dân ở Văn Đức sống vì cây rau từ bao đời nay, nên chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do rau xuất đi chủ yếu là cho các thương lái, họ thường đóng gói bằng bao với số lượng lớn, nên việc gắn tem chứng nhận chủ yếu mới thực hiện được ở khâu bán buôn, còn tới tay người tiêu dùng chưa nhiều”.
Sản xuất và dán tem chứng nhận RAT tại HTX Văn Đức, Hà Nội. |
Theo ông Nguyễn Hồng Anh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, mô hình thí điểm kiểm soát theo chuỗi từ cơ sở sản xuất RAT đến nơi tiêu thụ triển khai ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) có 250ha, trong đó diện tích cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT là 225ha và 25ha diện tích RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong xã cũng có 1.000 hộ và 25 chủ buôn rau có ô tô tham gia vào mô hình thí điểm.
Kết quả triển khai thí điểm sau 1 năm tại Văn Đức cho thấy, sản lượng rau bán buôn qua các chủ ô tô, xe máy chiếm khoảng 90% sản lượng vùng rau, tương đương 35-40 tấn/ngày, trong đó lượng rau được gắn nhãn nhận diện khoảng 25-30 tấn/ngày (đạt 70-75%). Sản phẩm rau sau khi gắn nhãn đã được tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội và các tỉnh khác. Sản phẩm RAT gắn nhãn được người tiêu dùng đánh giá cao, bán thuận lợi hơn, giá rau cũng luôn cao hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 500-1.000 đồng/kg.
Đưa rau có chứng nhận tới người tiêu dùng
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Mục tiêu của chương trình kiểm soát theo chuỗi từ cơ sở sản xuất RAT đến nơi tiêu thụ là giúp phân định được RAT với rau chưa được chứng nhận; đồng thời quảng bá sản phẩm rau từ cơ sở sản xuất RAT đến người tiêu dùng, đặc biệt giúp truy xuất được nguồn gốc xuất xứ rau từ nơi tiêu thụ đến các cơ sở sản xuất RAT”. Cũng theo ông Tiệp, sau 1 năm triển khai thí điểm ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc gắn tem để truy xuất nguồn gốc xuất xứ rau đã thực hiện được khoảng 65-70%, chủ yếu ở khâu bán buôn.
“Giai đoạn tiếp theo của chương trình này đang đặt ra là phải đẩy mạnh gắn tem RAT tới tay người tiêu dùng. Để thực hiện được mục tiêu trên, tiến tới các cơ quan chức năng phải giao cho đại diện các HTX, chính quyền địa phương và người sản xuất, người tiêu thụ tự thực hiện gắn tem. Còn các cơ quan chức năng chỉ tham gia vào quá trình giám sát, mới có thể đảm bảo được việc gắn tem RAT từng bó nhỏ, từng gói nhỏ… tới tay người tiêu dùng” - ông Tiệp nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “Điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải giám sát để xác định được, rau được chứng nhận rồi có an toàn hay không? Làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng vào RAT… Nếu làm thành công, mô hình sẽ là cơ sở để nhân rộng ra các mô hình khác như gà, lợn, thủy sản”. Theo kế hoạch, từ năm 2014 trở đi, chương trình thí điểm kiểm soát theo chuỗi từ cơ sở sản xuất RAT đến nơi tiêu thụ sẽ quy định việc gắn nhãn, dán tem nhận diện RAT là yêu cầu bắt buộc nhằm phục vụ công tác quản lý.
Thanh Xuân