Người trọn đời hướng về Bác ấy là thiếu tá quân đội về hưu Tử Vi Dân (77 tuổi) ở Bắc Trà My, Quảng Nam.
Nợ vẫn làm
Ông Dân sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha là liệt sĩ, mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng. 13 tuổi, ông đã tham gia tuyên truyền, rồi làm liên lạc cho bộ đội chống thực dân Pháp. Năm 1954-1957, ông được cử ra Bắc chiến đấu và học tập.
Đến năm 1957, ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại Nam Đàn, Nghệ An, khi Bác đến thăm đơn vị F.324. Và sau đó ông còn có 2 lần gặp Bác tại Hà Nội. Đến năm 1964, ông nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Để đảm bảo bí mật, ông đổi tên mình từ Võ Như Thông thành Tử Vi Dân với ý nghĩa “Chết vì dân” để thể hiện tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Cái tên “Tử Vi Dân” đã gắn liền với cuộc đời ông từ đó…
Ông Dân chăm chút nơi thờ Bác. |
Ông Dân kể, từ ngày Bác Hồ mất đến bây giờ, năm nào ông cũng lấy ngày 2.9 làm ngày giỗ Bác. “Lúc đầu, tôi thờ Bác chung bàn thờ với ông bà, tổ tiên của gia đình. Đám giỗ Bác, vợ chồng tôi mời bà con làng xóm đến dự. Ban đầu mọi người còn thấy lạ, sau thành quen. Mỗi lần giỗ Bác có đến 40 hộ gia đình ở nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh đến thắp hương, tưởng nhớ Bác” - ông Dân tâm sự.
Những năm sau, số người đến cúng giỗ Bác ngày một đông mà nhà ông bà thì quá nhỏ, vậy là ông nảy ra ý định tạc tượng Bác Hồ và xây dựng một khu nhà 3 gian làm nơi thờ tự Bác. Ban đầu, các con ông có ý phản đối vì kinh tế quá eo hẹp, ông sống tằn tiện nhờ mấy đồng lương hưu ít ỏi. May có vợ ông - bà Huỳnh Thị Thuyền (65 tuổi) hết sức ủng hộ. Bà quả quyết: “Ông cứ xây đi, nợ bao nhiêu, tôi dành dụm tiền lương hưu trả!”. Ông bà rút tất cả số tiền tích cóp từ đồng lương hưu ít ỏi để tạc tượng, xây nhà thờ.
Vợ chồng ông đón xe đò từ Trà My xuống Non Nước (Đà Nẵng) mua đá để tạc tượng Bác. Tượng toàn thân, cao 1m60, trị giá mấy chục triệu đồng, vừa hết số tiền ông bà dành dụm được. Không dừng lại ở đó, ông bà vay mượn thêm của hàng xóm để làm tiếp nhà thờ Bác.
Tự tay thiết kế nhà thờ Bác
Về nhà thờ Bác, bà Thuyền tâm sự: “Ban đầu ông nhà tui định nhờ kiến trúc sư thiết kế, nhưng kiến trúc sư đòi 5 triệu đồng, không có tiền, vậy là ông ấy tự tay thiết kế luôn”. Ông bỏ cả ruộng vườn, hì hục suốt ngày để khiêng đá về đặt móng. Đến tháng 8.2008, tượng Bác mới chính thức được đặt lên “bệ”, rồi đến đầu tháng 6.2009 thì nhà thờ mới chính thức hoàn thành.
Chúng tôi dạo quanh ngôi nhà và thăm khu vườn đặt tượng Bác. Tượng Bác thật uy nghi, cùng ngôi nhà lưu niệm 3 gian xinh xắn. Bên trong nhà, nơi thờ tự đặt riêng một bên, còn bên kia ông sưu tầm trưng bày những bài báo, hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Ông Dân kể: “Tôi đã vào tận Cục Văn thư lưu trữ Bảo tàng TP.HCM để thiết lập Đồ phả cội nguồn về Bác. Những tác phẩm thơ văn của Bác đều được tôi chuyển thành thư pháp. Nhà lưu niệm như một thư viện nhỏ với gần 200 cuốn sách viết về Bác và có cả những tác phẩm do chính tay Bác viết”.
Từ khi hoàn thành nhà thờ Bác đến giờ, người dân trong huyện Bắc Trà My và khách thập phương đến thắp hương viếng Bác không ngớt. Không những thế, nhà thờ còn thu hút nhiều học sinh từ Trường Dân tộc nội trú và cấp 2 Nguyễn Du đến đây mượn sách để tham khảo.
Rước đất về dâng Bác
Thắp nhang khấn vái xong, ông Dân nhẹ nhàng lấy cái hộp được phủ bởi tấm khăn màu đỏ từ trên bàn thờ Bác xuống. Mở hộp ra, bên trong là 2 nắm đất được bọc kỹ. Một gói, ông ghi “bên nội”, gói kia ông ghi “bên ngoại”. “Do già yếu, không đủ sức để ra quê Bác tự tay lấy đất nên tôi giao “nhiệm vụ” này cho vợ chồng cháu ngoại của tôi là Phạm Quế Viên thực hiện” - ông Dân nói.
Anh Viên kể lại: “Vào đúng sáng sớm mồng 2 Tết Nhâm Thìn, nhận nhiệm vụ của ông giao, vợ chồng tôi tức tốc ra quê Bác. Không ai làm khó dễ gì chúng tôi nên 2 nắm đất ước nguyện cũng được đưa về cho ông...”.
Ông Dân chọn ngày 19.5.2012, đúng ngày sinh nhật lần thứ 122 của Bác để tổ chức lễ rước đất dâng Bác. Ông bảo, rước đất dâng Bác là một việc làm để chúng ta, con cháu và nhiều thế hệ mai sau tại Bắc Trà My được kế tiếp phụng thờ, như công ơn của Bác mãi mãi trường tồn”.
Trương Hồng