Dân Việt

Giấc mơ hái tiền với nghề lập trình di động

09/11/2012 13:55 GMT+7
Dân Việt - Câu chuyện về chàng sinh viên Nguyễn Long thu nhập “trăm triệu” một tháng nhờ viết ứng dụng mobile càng tiếp thêm hy vọng cho các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề này.

Tại Việt Nam, ngày càng đông các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào kinh doanh ứng dụng mobile đã đẩy nghề lập trình di động trở nên “nóng sốt” hơn bao giờ hết.

Câu chuyện về chàng sinh viên Nguyễn Long thu nhập “trăm triệu” một tháng nhờ viết ứng dụng mobile càng tiếp thêm hy vọng cho các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề này.

Thời của di động thông minh

Hơn chục năm về trước, điện thoại di động xuất hiện tại Việt Nam với mẫu mã khá thô kệch, đắt tiền nhưng tính năng chỉ gói gọn trong nghe, gọi và nhắn tin. Khi ấy, có mấy ai nghĩ rằng ngày nào đó di động sẽ làm mưa làm gió thị trường công nghệ với tính năng phong phú chẳng khác gì một máy tính thu nhỏ?

img
HSSV tham gia buổi tọa đàm về tiềm năng nghề Lập trình mobile do iSpace tổ chức tại TP. HCM vừa qua.

Hiện tại thì đã qua lâu rồi cái thời, điện thoại di động là những “chiếc hộp to có ăng - ten” có thể dùng thay thế cho điện thoại bàn và máy nhắn tin.

Điện thoại giờ đây khoác lên mình một dung mạo đẳng cấp hơn nhiều với phong phú các kiểu dáng thanh, trượt, gập hay cảm ứng. Biến chuyển đáng kể nhất là chúng còn tích hợp trong mình cả một thế giới văn phòng và giải trí mini. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi laptop và máy tính bàn dần dần bị “thất sủng”.

Điện thoại thông minh ngày càng mở rộng diện tích “phủ sóng” trên kệ trưng bày của các cửa hàng điện thoại. Cộng đồng mạng liên tục phát sốt trước cuộc đua của những hãng công nghệ lớn, cho ra đời hàng loạt các siêu điện thoại. Những ứng dụng mới, game cho di động cũng nhờ đó được mùa nở rộ, đưa lập trình ứng dụng di động nghiễm nhiên trở thành nghề đắt giá.

Cung cầu lệch pha

Các cơ sở đào tạo bắt đầu mọc lên như nấm nhưng đơn vị có chất lượng có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một phần vì đây còn là một ngành nghề mới nên gây nhiều bỡ ngỡ trong việc soạn giáo trình đào tạo.

Thêm vào đó, số đông các đơn vị vẫn quen thuộc lối đào tạo thiên về lý thuyết trong khi doanh nghiệp cần ứng viên có kỹ năng làm việc thực tế nên sinh viên ra trường dù nhiều nhưng số đạt yêu cầu doanh nghiệp chẳng được bao nhiêu.

Trong tình cảnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận tuyển sinh viên năm cuối rồi tự bỏ kinh phí đào tạo lại để phần nào đáp ứng sự thiếu hụt nhân sự nhưng kết quả không mấy khả quan.

Ông Hồng Xuân Viên – Trưởng Ban Đào tạo công ty Micro Game (mạng xã hội Ola) cho biết: “Công ty có cả một đội ngũ chuyên viên chỉ phụ trách công tác đào tạo vì hầu như không có sinh viên tốt nghiệp nào có thể ngay lập tức tiếp nhận được công việc. Chi phí hàng năm bỏ ra rất lớn nhưng kết quả thu về không tương xứng vì các bạn quá thiếu kỹ năng, chuyên môn không vững và còn khó thích nghi với văn hóa doanh nghiệp.”

Đầu tư đúng để “hái tiền” bằng chính đam mê

Để giải quyết triệt để những vấn đề trên, tạo nguồn ứng viên chất lượng ngay từ nhà trường là yêu cầu cốt lõi. Bản thân doanh nghiệp phải trực tiếp tham gia huấn luyện sinh viên trong suốt quá trình học tập để kiểm soát tốt các tiêu chí chuyên môn lẫn kỹ năng nghề nghiệp.

Hiện tại, chính Công ty Micro Game đang kết hợp với Trường Cao đẳng nghề CNTT iSpace tiên phong thực hiện hình thức ưu việt này trong đào tạo nghề Lập trình di động. Sinh viên phải vượt qua một bài test kiến thức đầu vào mới có thể vào học.

Micro Game sẽ cử các chuyên gia giỏi sang trực tiếp tham gia giảng dạy và cung cấp những dự án phần mềm của công ty để các bạn thực tập. Mỗi sinh viên sẽ có 500 giờ trải nghiệm công việc thực tế dưới sự hướng dẫn của chính doanh nghiệp để thuần thục nghề và quen thuộc với văn hóa làm việc trong môi trường doanh nghiệp.

Việc sát hạch năng lực ứng viên cũng được thực hiện qua từng giai đoạn chứ không đợi đến khi các bạn ra trường. Ứng viên đạt yêu cầu sẽ được ký hợp đồng lao động và trả lương ngay khi còn học. Sinh viên tốt nghiệp được cam kết tuyển dụng với mức lương khởi điểm là 60 – 80 triệu đồng/năm. Trước mắt, để phục vụ mục tiêu năm 2013, Micro Game đặt hàng iSpace đào tạo 40 học viên đầu tiên.

Xét ra, đây là phương án đào tạo mà tất cả cùng có lợi. Nhà trường đào tạo hiệu quả hơn nhờ tiếp nhận được công nghệ mới từ doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng giảm thiểu được phần nào nỗi lo về nguồn nhân sự chất lượng cao. Học viên cũng hoàn toàn yên tâm về cơ hội việc làm nhờ được rèn nghề bởi chính doanh nghiệp sẽ tuyển dụng mình. Hãy cùng nhau chắp cánh ước mơ để các bạn trẻ “hái tiền ở vùng trời di động”…