Dân Việt

Mất niềm tin là mất tất cả

07/11/2012 13:02 GMT+7
Dân Việt - Đó là cảnh báo của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) trước thực tế nhiều quyết định hành chính về đất đai còn sai, người dân khiếu kiện kéo dài mà không được giải quyết.

Sáng 7.11, ĐBQH thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Nhiều đại biểu cho rằng, giữa một “rừng” văn bản hướng dẫn, nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn nên gây nhiều sai sót khi xử lý.

img
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh). Ảnh: TTXVN

Khiếu kiện nhiều vì… văn bản nhiều

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) - người trực tiếp đi giám sát các vấn đề về đất đai trên địa bàn đưa dẫn chứng, trong tống số 672.990 đơn khiếu nại tố cáo liên quan tới lĩnh vực đất đai thì có hơn 30 ngàn vụ việc thuộc xử lý hành chính. Trong số này 19,8% khiếu nại đúng, 28% khiếu nại có đúng có sai và 52,2% người dân khiếu nại sai hoàn toàn.

“Tổng số khiếu nại đúng và có đúng có sai lên tới 47,8%. Như vậy những văn bản hành chính ban hành còn nhiều sai sót, dân khiếu kiện là có cở sở. Một trong những lý do chủ yếu là vì có nhiều văn bản hướng dẫn, và hướng dẫn chồng chéo, thường xuyên thay đổi” - ông Tiếp nhấn mạnh

Về “rừng” văn bản, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đưa ra số liệu, hiện đất đai đang trực tiếp và gián tiếp chịu sự điều chỉnh của 20 Luật, 23 Nghị định, 17 Quyết định, 230 văn bản của các bộ ngành có liên quan. Chưa kể các văn bản ở địa phương. Ngoài ra, pháp luật về đất đai còn mâu thuẫn với Luật khiếu nại tố cáo.

Văn bản thì nhiều nhưng theo đại biểu Hồ Thị Thủy thì cán bộ làm công tác về đất đai vừa thiếu, vừa yếu, còn vô cảm với người dân, thực hiện thiếu công khai, minh bạch; hồ sơ địa chính không lưu đầy đủ, gây khó khăn trong giải quyết khiếu nai, tố cáo…Vì thế dẫn tới khiếu nại kéo dài, khiếu nại đông người.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu ví dụ rất cụ thể về việc văn bản chồng chéo. Cụ thể: Điều 52, Nghị định 69/2009 về giá đất và bồi thường tái định cư có phần quy định về bồi thường đất đang sản xuất. Để hướng dẫn điều này thì Thông tư 14 phải dẫn tới 5 Nghị định tham chiếu, mà phần lớn nghị định đã hết hiệu lực. “Đây thực sự là một ma trận văn bản gây khó khăn cho người dân”- bà Bé nói.

Văn bản thì nhiều nhưng vẫn chưa bao quát hết các khiếu nại đất đai. Đại biểu Kim Bé nêu dẫn chứng 15% khiếu nại của người dân là đòi lại đất cũ. “Có những vấn đề liên quan tới lịch sử thì phải có hướng để xử lý, trong khi các điều luật không có điều nào điều chỉnh vấn đề này”. Đại biểu Kim Bé cũng viện dẫn thực tế, hiện Bộ Tài nguyên môi trường có chỉ đạo thu hồi đất đai chậm triển khai để chuyển lại cho người dân như ở Long An, Tây Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương và Kiên Giang, đây là cách làm đúng cần được luật hóa.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng nhấn mạnh, từ năm 2003 tới nay đã có 455 văn bản TƯ ban hành hướng dẫn về đất đai, chưa kể văn bản do các tỉnh ban hành. “Chưa có lĩnh vực nào mà văn bản nhiều như luật đất đai, tạo kẽ hở cho khiếu nại tố cáo kéo dài, nhiều cá nhân oan sai nhưng cũng nhiều người được hưởng lợi. Đây là lỗi tổng hợp và lỗi hệ thống, bắt nguồn từ Quốc hội, Chính phủ, cần nhìn thẳng vào lỗi. Luật Đất đai phải lấy ý kiến của dân, phải lường hết được các trường hợp cụ thể để khi ấn nút thông qua”- ông Phương nói.

Xử nghiêm người vi phạm

Đăng đàn phát biểu trong buổi sáng 7.11, nhiều đại biểu nhấn mạnh điều này. Người vi phạm ở đây bao gồm cả cán bộ nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành chính ra các quyết định hành chính sai và cả người khiếu nại, tố cáo cố tình hiểu sai luật để khiếu kiện

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, Luật chưa có quy định về cơ chế đền bù thỏa đáng khi khiếu nại của dân là đúng sự thật. “Khi họ khiếu nại đúng thì chính quyền né tránh khiến người dân bức xúc”- bà Thu Anh nói. Vì vậy, theo bà, cần phải: “Xử lý nghiêm thủ trưởng các cấp, ngành chưa chỉ đạo đúng trong xử lý khiếu nại đất đai”

Về các vụ việc đã xử lý, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng: “đó chỉ là tảng băng nổi nhìn thấy, cá biệt có địa phương khiếu nại đúng và có đúng có sai chiếm 70%. Đây là tỷ lệ sai rất cao - cho thấy việc ra quyết định hành chính của các cấp còn nhiều sai sót, tiềm ẩn nhiểu nguy cơ về an ninh, làm mất niềm tin - mất niềm tin là mất tất cả, sẽ tức nước vỡ bờ”

Vì vậy, bà Khá cũng đề nghị phải xử lý nghiêm các cơ quan ra quyết định hành chính có tỷ lệ sai nhiều. Quốc hội và HĐND các cấp cần có giám sát, theo dõi kết quả giải quyết hàng năm- kết quả xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả phải đưa tin công khai trên các thông tin

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói rất gay gắt về vấn đề này, ông cho rằng cả báo cáo của Chính phủ và Quốc hội đều đưa ra con số : “Một bộ phận không nhỏ vi phạm. Vi phạm xác định như thế nào, không nhỏ là bao nhiêu”.

Ông viện dẫn số liệu báo cáo giám sát cho thấy từ năm 2003-2011, các cơ quan giám sát đã chỉ ra 380 vụ, 665 đối tượng vi phạm: “Số liệu này cho thấy số lượng cán bộ làm sai nhiều nhưng chưa rõ hình thức xử lý. Trong báo cáo kiến nghị chỉ nói xử lý hành chính, chuyển cơ quan điều tra chứ không nói thẳng đã xử lý chưa, xử lý thế nào”

Một ý kiến rất đáng chú ý của đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) khi ông đối chiếu nhiều văn bản, báo cáo giám sát của Quốc hội. Ông nhận định, từ khi Quốc hội bắt đầu họp tới nay có tới 50 đoàn kéo ra khiếu nại đông người.

Trong đó có nhiều đoàn đã nêu trong báo cáo của chính phủ từ năm 2006 mà việc xử lý vẫn treo đó: “Chúng ta chưa kiên quyết xử lý đáp ứng mong đợi của người dân. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13 chúng tôi nhận được đơn gửi tất cả các đại biểu về vụ việc 10 năm nay không ai giải quyết. Theo tôi, giám sát 1 vụ việc cụ thể để kết luận đúng sai không hề đơn giản. Làm thế nào để lấy lại niềm tin cho người dân, là những người khiếu nại đúng”

Từ một góc nhìn khác, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng, giám sát ở cơ sở cho thấy việc khiếu nại, tố cáo nhiều khi cũng bị lạm dụng, báo cáo cũng cho thấty 52% tố cáo sai hoàn toàn thì cũng cần phải có cơ chế xử lý những cá nhân tố cáo sai.

Đại diện cho giới doanh nghiệp, đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng có nhiều ý kiến đề nghị áp giá đất theo giá thị trường để giảm khiếu kiện về đất đai, nhưng hiểu giá thị trường thế nào thì còn chưa thống nhất. “Hầu hết đất thu hồi là đất nông nghiệp. Người đòi theo giá thị trường là giá trị đất ở trong tương lai chứ không phải là đất nông nghiệp hiện hữu- trong khi đất nông nghiệp là đất họ được giao không thu tiền”- ông Nam phân tích.

Bản thân doanh nghiệp ông tham gia nhiều dự án bất động sản và gần như nhà đầu tư phải mua lại đất tới 2 lần dẫn tới giá trị công trình bị đội lên, doanh nghiệp gặp khó khăn phải treo công trình dẫn tới dự án bị treo.

Ông Nam cũng cho rằng, hiện có 2 hình thức bồi thường: công trình có mục đích công ích thì áp theo giá nhà nước thì thấp, công trình có mục mục đích thương mại thì đền bù theo giá thỏa thuận nên được áp giá cao, trong nhiều trường hợp 2 dự án như vậy trên 1 địa bàn có giá bồi thường chênh lệch giá hàng chục lần nên tất yếu dẫn tới so bì, khiếu kiện. Vì vậy, ông đề nghị “có cơ chế thu hồi theo mục đích công ích và cơ chế chuyển nhượng theo mục đích thương mại”