Tất nhiên kèm theo những tính từ chỉ tính chất: Gia tăng - phức tạp - gay gắt.
Sự "gia tăng", "phức tạp", "gay gắt" đang biểu hiện sinh động trong con số 4.159 đoàn khiếu kiện trong chỉ 1 năm (2011). Phó Trưởng ban Dân nguyện Hà Công Long trước nghị trường hôm qua đã nói tới tình trạng thời sự nóng hổi: Từ hôm QH khai mạc đến nay, đã có 50 đoàn tới khiếu nại tại các cơ quan ở thủ đô. Đó là sự thật mà các vị ĐBQH không thể không biết.
Trong vô số nguyên nhân dẫn đến khiếu tố, có "nguyên nhân của mọi nguyên nhân": Đó là một “rừng” luật mà báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội gọi là "sự bất cập". Từ năm 2005 đến nay, đã có tới 445 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Bình quân, mỗi năm có gần 100 văn bản, (hay cứ 3 ngày có 1 văn bản).
Chưa bao giờ, ở đâu có một thứ văn bản luật nhanh lỗi mốt, vừa ban hành đã lỗi thời, đã cần thay thế, cái sau được dùng để khiếu kiện tố cáo cái trước. Hoặc sinh động hơn, cứ 1 trang Luật Đất đai, có tới 19,5 trang hướng dẫn. "Cánh rừng" này, theo báo cáo giám sát, không những liên tục thay đổi mà còn thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể.
Với một rừng luật, cái nọ xung đột với cái kia, người dân không "lạc" trong đó mới là lạ. Có lẽ không tình cờ khi mà tình trạng càng nhiều luật, càng nhiều văn bản hướng dẫn luật thì luật càng rối và việc thi hành luật càng như gà mắc tóc.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một mặt cho rằng: "Để phát triển kinh tế - xã hội, ta đã xác định củng cố cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, tất nhiên phải thu hồi đất theo quy hoạch". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: Nhưng phải làm hài hòa để đừng nảy sinh thêm khiếu kiện đất đai, có mâu thuẫn phải giải quyết thỏa đáng, phù hợp".
Sự hài hòa mà Thủ tướng nói tới có lẽ phải bắt đầu bằng việc phát quang “rừng” luật, thứ đang dẫn tới khiếu tố tràn lan, nói như đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, rằng: "Để sau khi bấm nút, Luật Đất đai không phải cần quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành nữa".
Phong Dao