Khi cái tôi quá lớn
Nếu ví von cả hệ thống bóng đá Việt Nam (BĐVN) từ các cấp quản lý, điều hành tới các câu lạc bộ, huấn luyện viên, trọng tài, cầu thủ… là một đội bóng, thì không quá khi cho rằng đó là một đội bóng tồi. Ở đó, tất cả mỗi “vị trí” bằng cách này hay cách khác đều cố gắng thỏa mãn cái tôi, thay vì đoàn kết, tạo nên sức mạnh tập thể.
Sau 12 năm tiến lên chuyên nghiệp, V.League lại quay về… vạch xuất phát. |
Ông Phạm Duy Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Tháp có lý khi khẳng định sự phối hợp thiếu nhịp nhàng, thậm chí rời rạc, lỏng lẻo giữa những người trong cuộc, đã khiến BĐVN bao năm qua vẫn mãi loay hoay ở “vùng trũng” Đông Nam Á. “Với cách làm như thời gian qua, trước sau BĐVN cũng sẽ “bể” thôi. Ước tính trung bình mỗi năm BĐVN tiêu tốn mất 1.000 tỷ đồng, hơn 10 năm qua đã tiêu hơn hơn 10.000 tỷ đồng, vậy mà kết quả chẳng có được gì” - ông Tiến chua xót nói.
Tại mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên V.League 2001, BĐVN có 10 đội. Rồi mãi mới nâng được số đội lên con số 14 tại V.League 2007. Cách đây hơn 1 năm, lãnh đạo VFF còn đầy lạc quan, mơ mộng khi nghĩ tới V.League 2015 với số đội được nâng lên 16. Mấy ai ngờ, nhiều khả năng V.League 2013 sẽ chỉ còn 10 đội (?!). Đây có thể coi là cái giá phải trả của BĐVN khi đã quá nóng vội, thiếu định hướng trong hành trình tiến lên chuyên nghiệp.
“Bóng đá chuyên nghiệp không thể thiếu tiền. Mấy năm qua, BĐVN có tiền nhưng không biết sử dụng đúng cách để phát huy hiệu quả” - ông Nguyễn Hồng Thanh-Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá SLNA nhìn nhận.
Vẫn chưa đồng cảm
Điều đáng ngại là lúc này, những người trong cuộc vẫn chưa chịu hiểu, chia sẻ với nhau để “cứu mạng BĐVN” như lời ông Lê Hùng Dũng-Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF.
Với tình hình hiện nay, thay vì khéo léo “thu phục nhân tâm”, giúp giới cầu thủ có đủ niềm tin tiếp tục theo đuổi niềm đam mê dù đang bị nợ lương, thưởng… thì các ông chủ lại tỏ thái độ “sống chết mặc bay”. Đó là lý do mà sau một thời gian tập trung tập luyện, các cầu thủ V.Ninh Bình đã đình công phản ứng.
Một cầu thủ Ninh Bình bức xúc: “Vấn đề không chỉ nằm ở khoảng nợ lương hơn 3 tháng, mà do thời gian qua, chúng tôi không hề nhận được một lời động viên từ phía lãnh đạo”. Rõ ràng đây đang là thời điểm cực kỳ khó khăn, nhưng nếu các ông chủ lợi dụng điều đó để “ép” cầu thủ thì nhiều khả năng phía trước sẽ có những vụ kiện tụng đòi quyền lợi, mà trường hợp cầu thủ Đặng Khánh Lâm (bị Navibank.SG nợ tiền lương-thưởng khoảng hơn 100 triệu đồng) là một ví dụ...
Chính Minh