Đại biểu Đào Văn Bình khẳng định: “Cần tăng cường huy động xã hội hóa, nhưng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong phòng, chống thiên tai chứ không nên chỉ giữ vai trò hỗ trợ như dự thảo luật vì điều đó sẽ giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước”.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trịnh Thế Khiết cho biết: Nếu chỉ giữ vai trò hỗ trợ thì chưa nêu rõ vấn đề mà Nhà nước cần phải thể hiện được trách nhiệm chính khi xảy ra thiên tai.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh: Với những dự án, công trình trọng điểm có tác dụng lớn hoặc có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, cần xây dựng phương án ứng phó cụ thể để có thể chủ động khi chịu sự tác động của thiên tai.
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị: Việt Nam là đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” nên quan tâm sâu hơn đến vai trò của lực lượng quân đội bởi đây là lực lượng có mặt nhanh, tham gia tích cực khi xảy ra thiên tai. Trong dự án luật chưa lấy phòng làm chính nên cần chú trọng hơn, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, thiệt hại nghiêm trọng như cơn bão số 8 vừa qua.
Long Nguyên