Nơi đây từng xảy ra những phản ứng của người dân và khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai.
Người dân không chấp nhận chính sách thu hồi đất và chỉ đích danh “thủ phạm” là 2 tờ trình Thủ tướng Chính phủ (năm 2004) về việc thu hồi đất để xây dựng đường cao tốc nối thành phố Hưng Yên và Hà Nội, có chạy qua Khu đô thị nhà vườn Ecopark.
Toàn cảnh đối thoại của GS Đặng Hùng Võ với nông dân Văn Giang. Ảnh Đàm Duy |
Những người nông dân mất đất khẳng định GS Đặng Hùng Võ, ở thời điểm là Thứ trưởng Bộ TNMT đã làm trái pháp luật khi ký 2 tờ trình trên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của họ. Trong thư ngỏ gửi GS Võ, dân nói chắc nịch: “Trong thời hạn một tuần (tính từ ngày 25.10) nếu ông không có phản hồi, chúng tôi buộc phải có đơn tố cáo chính thức gửi cơ quan pháp luật để truy cứu trách nhiệm cá nhân ông”. GS Đặng Hùng Võ dù muốn hay không cũng phải nhận lời đối thoại với dân. Và kết thúc cuộc đối thoại, GS Võ đã thẳng thắn nhận thiếu sót.
Thật đáng mừng khi những người nông dân mất đất ở Văn Giang đã làm một việc quyết liệt, ngay thẳng, sòng phẳng như vậy. Dân chủ chính là chỗ này đây. Phải đối mặt, đối thoại, lắng nghe, chất vấn, giải thích để đi đến đúng sai và ai phải chịu trách nhiệm.
Việc làm của người nông dân Văn Giang làm cho giới quan chức giật mình, thức tỉnh. Hãy coi chừng, không phải có quyền thì muốn làm gì cũng được. Đặt bút xuống ký một quyết định thì phải chịu trách nhiệm với quyết định đó. Cho dù đã về hưu, dân cũng không để yên, dân có quyền truy xét đến tận cùng. Dân chủ là vậy.
Nhưng chuyện đối thoại không phải chỉ đối với các quan chức về hưu. Ngay cả đối với các vị đương chức, nếu ban hành các quyết định làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người dân thì cũng phải đối thoại cho rõ. Từ trước tới nay, có không ít trường hợp dân chỉ kêu ca rồi đâu cũng vào đó, không ai giải thích, không ai chịu trách nhiệm. Hoặc, thông qua các kỳ họp HĐND các cấp, họp Quốc hội, các vị đại biểu của dân nêu các vấn đề cử tri đặt ra, chất vấn các thành viên lãnh đạo địa phương, bộ, ngành, thậm chí cả Chính phủ. Nhưng trực tiếp tổ chức đối thoại với dân còn thưa vắng.
Tuy nhiên, có nhiều vụ việc không cần đối thoại, dân cũng biết chắc sai phạm, trách nhiệm thuộc về cá nhân nào. Nhìn những công trình, dự án sai lầm sờ sờ trên thực tế thì thấy ngay sự thật, không cần phải đối thoại mới tìm ra. Liệu ai đó có thể ngủ yên giấc không khi đoàn tàu Vinashin mấy chục chiếc trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng đang mục nát trên biển. Lương tâm của người có trách nhiệm có day dứt không, tâm hồn họ có bình an không. Đó chỉ là một ví dụ trong vô vàn ví dụ có thể kể ra.
Chân Tâm