Mảnh đất xứ Quảng những ngày cuối tháng 5 nắng gắt, mái ấm Hướng Dương (79 Tiểu La, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) của thầy giáo Đặng Ngọc Duy (37 tuổi) vẫn vang lên tiếng bi bô của đám học trò khuyết tật. Đã 3 năm nay, ngày nào cũng vậy, khi thầy Duy gảy đàn bắt nhịp, nhóm học sinh hát theo giai điệu quen thuộc mà tác giả chính là thầy giáo.
Lớp học đặc biệt ở mái ấm Hướng Dương bắt đầu bằng tiếng đàn của thầy Duy. |
Thấy có khách ghé lớp, những đứa trẻ nhốn nháo ùa ra. Một cậu bé nhanh nhảu chạy đến kéo chiếc cửa sắt đã hoen gỉ đón khách. Đó là Nguyễn Minh Hậu, nhà ở xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, là học sinh hiếu động nhất lớp. Thấy ai đến Hậu cũng đòi mua dụng cụ học tập nhưng em lại bị thiểu năng trí tuệ, chỉ thuộc mỗi bài hát do thầy Duy sáng tác.
Học sinh Ung Nha Hòa, người dân tộc Chăm, năm nay đã 25 tuổi nhưng bị ảnh hưởng chất độc da cam nên vẫn cứ như đứa trẻ lên 10. Thi thoảng Hòa lại cười ngây ngô với mấy đứa trẻ rồi bỗng nhiên khóc òa như mưa. Thầy Duy phải lần theo mép bàn ra ngồi bên cạnh học trò vỗ về an ủi.
Thầy Duy cho biết, lớp học là nơi quy tụ của 21 mảnh đời bất hạnh, được anh nhận về từ các huyện của tỉnh Quảng Nam. Để việc dạy học hiệu quả, anh phải chia thành các lớp nhỏ và có cách truyền đạt kiến thức riêng cho từng dạng khuyết tật. Thầy giáo chủ yếu dạy học trò các phép toán, đọc viết chữ nổi và học thuộc một số bài hát… Ngoài anh Duy, còn có hai cô giáo là bạn bè của anh từ thời đại học tình nguyện đến giúp đỡ và vệ sinh cho các em hàng ngày.
“Cuộc đời tôi nếm đủ mùi cay đắng. Từ khổ đau của chính mình, tôi hiểu các em bị tật nguyền đã rất thiệt thòi và chỉ có kiến thức mới giúp các em vơi đi”, người thầy khuyết tật nói về động lực thúc đẩy anh quyết tâm mở mái ấm Hướng Dương để nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ tại một ngôi làng nhỏ ở TP Tam Kỳ, năm 13 tuổi, tai nạn kíp nổ đã cướp mất của anh đôi mắt và nửa bàn tay trái. Không chấp nhận số phận, anh tìm đến các địa chỉ dạy học cho người mù rồi trở về Tam Kỳ học hết lớp 12. Ba lần thi trượt, bị nhiều người chê cười, nhưng anh không từ bỏ quyết tâm và đã thi đậu vào ngành Sư phạm Ngữ văn, ĐH Quảng Nam.
Nhận bằng tốt nghiệp, gom góp số tiền ít ỏi chắt chiu bao năm cùng 30 triệu đồng thu được từ 2.000 bản sách của tập thơ Sắc màu âm thanh, cuối năm 2010, anh thành lập mái ấm Hướng Dương. Những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn được anh nhận về, số lượng tăng dần theo thời gian. Dù mái ấm luôn đối mặt với nhiều khó khăn bởi tất cả chi phí đều đến từ các nhà từ thiện, nhưng thầy trò vẫn duy trì lớp học.
Điều anh Duy băn khoăn nhất là cơ sở ngày càng xuống cấp. Chỗ ngủ của thầy trò chỉ là 3 chiếc chiếu đôi trải trên những tấm gỗ thô ghép lại. Tháng 3 vừa rồi tỉnh Quảng Nam cấp cho mái ấm mảnh đất rộng 800 m2 để xây dựng cơ sở mới, nhưng vẫn chưa có kinh phí xây dựng.
Lớp học đặc biệt luôn rộn ràng tiếng cười hồn nhiên của trẻ. |
“Đối với tôi, con đường vẫn đang còn phía trước. Lúc nào tôi cũng nghe văng vẳng lời của một nữ sĩ khuyết tật. Tàn tật tất nhiên là bất tiện, nhưng tuyệt nhiên không là bất hạnh”, anh Duy nói.
Ông Trịnh Lương Quý, Phó chủ tịch phường An Mỹ (TP Tam Kỳ), cho biết mái ấm Hướng Dương ra đời đã làm thay địa phương việc chăm lo cho trẻ em khuyết tật, mồ côi. Nhiều năm nay, phường An Mỹ đã cố gắng tạo điều kiện để mái ấm hoạt động được tốt hơn. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc hỗ trợ cũng chỉ có giới hạn.
“Do ngân sách hạn hẹp nên địa phương không hỗ trợ được nhiều, kinh phí hoạt động của cơ sở chủ yếu từ các nhà từ thiện. Sắp tới ngày Quốc tế thiếu nhi, phường đã chuẩn bị các suất quà nhỏ để tặng những em ở mái ấm nhằm động viên tinh thần”, ông Quý nói.