Dân Việt

Khó bắt bộ trưởng tiếp dân 1 ngày/tháng

01/06/2013 06:55 GMT+7
(Dân Việt) - “Dự luật còn nhiều chi tiết lộn xộn, cần điều chỉnh, xem xét kỹ lưỡng hơn và chưa thể đưa ra trình Quốc hội” - là ý kiến của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 31.5 về Dự án luật Tiếp công dân.

Đóng góp vào Dự án luật Tiếp công dân, ĐB Cao Đức Phát (Đăk Lăk), Bộ trưởng Bộ NNPTNT nêu quan điểm: “Điều 14 của Dự án luật có quy định bộ trưởng các bộ phải tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng là quá cứng nhắc, bởi chúng ta phải làm việc theo hệ thống, khi nhận được ý kiến khiếu kiện của công dân thì các cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận rồi mới trình lên bộ trưởng để xem xét. Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào một buổi tiếp công dân rồi giải quyết luôn là không ổn, bởi bộ trưởng không thể cứ đến ngồi nghe rồi giải quyết luôn”.

Đại biểu Phát cũng nhấn mạnh: Cần quy định rõ ràng trách nhiệm cụ thể để căn cứ vào đó, khi có vấn đề liên quan thì phải giải quyết hơn là quy định cứng cho một người.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) khẳng định: “Thực trạng hiện nay là người tiếp công dân có tâm lý ngại tiếp công dân. Ngược lại, nhiều khi công dân cũng đòi hỏi quá nhiều về chức năng, quyền hạn của người tiếp công dân. Vì thế, luật phải có điều khoản hướng dẫn người dân đi kiện sao cho đúng luật”.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) góp ý: “Cần khẩn trương ban hành Luật Biểu tình thay cho Luật Tiếp công dân. Nếu làm cái gì không phải là dân họ sẽ biểu tình và lúc này tác động ngược trở lại, anh sẽ phải tiếp dân cho tốt hơn”. ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) thì cho rằng, một dự án luật trình ra mà điều nào cũng phải góp ý là do quá sơ sài, ngay cả trụ sở tiếp công dân được quan niệm là một cơ quan, có con dấu, tài khoản riêng, nghe thì rất… oách nhưng thực ra không có thẩm quyền gì.

Nêu quan điểm rõ ràng về dự án luật này, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) khẳng định: “Không thể đưa ra trình Quốc hội”. Đại biểu Hà cho biết, đối tượng điều chỉnh cần quy định rõ chủ thể trong quan hệ tiếp dân và người tham gia tiếp dân trong khi đối tượng điều chỉnh của luật mở quá rộng. Với đề nghị: “Các cơ quan tự tiếp dân tại cơ quan của mình” bởi điều cốt lõi hiện nay là cần phải tổ chức tốt các văn bản pháp luật hiện hành nên không cần thành lập bộ phận tiếp dân, ĐB Hà nhấn mạnh: “Cần soạn thảo lại Dự án luật Tiếp công dân”.