Dân Việt

Nghệ thuật đã bỏ quên thiếu nhi!

01/06/2013 13:01 GMT+7
(Dân Việt) - Cứ tới tháng 6 là đến mùa của các chương trình nghệ thuật phục vụ thiếu nhi, nhưng nhìn chung nội dung các chương trình rất nhàm chán.
img
 

Theo như giải thích của NSND Lê Tiến Thọ (ảnh) - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN thì đó là điều dễ hiểu, vì đề tài thiếu nhi đã bị... bỏ quên từ lâu.

Thưa ông, đến thời điểm này, trên cả nước chỉ có 1 nhà hát duy nhất cho thanh thiếu nhi là Nhà hát Tuổi Trẻ mà chương trình thành công nhất của đơn vị này nhiều năm nay lại là “Đời cười” chứ không phải kịch mục cho thiếu nhi. Vậy chúng ta có nên xây thêm nhiều nhà hát để phục vụ thiếu nhi hay không?

- Theo tôi, điều quan trọng không phải là việc xây thêm nhà hát, vì dù cho xây thêm vài cái nhà hát nữa mà không có gì để diễn cho thiếu nhi thì cũng đến bỏ không chứ có làm gì đâu. Cái quan trọng hơn là chúng ta diễn gì trong những nhà hát ấy thì không ai quan tâm cả. Thành thật mà nói, tôi thấy đề tài cho thiếu nhi trong nghệ thuật bị bỏ quên từ lâu rồi. Cứ thống kê trên cả nước mà xem, một năm có mấy vở kịch, mấy bộ phim cho thiếu nhi? Rất hiếm. Thế thì xây thêm nhà hát có ích gì.

Tuy nhiên, cứ đến tháng 6 hàng năm là tháng cao điểm phục vụ thiếu nhi, phố phường vẫn chăng đầy quảng cáo các chương trình cho trẻ em, ông đánh giá thế nào về nội dung của các chương trình này?

- Theo tôi phần lớn trong số đó đều là những chương trình góp nhặt dàn dựng lại những tiết mục từ năm này qua năm khác, bao nhiêu năm rồi, lúc nào cũng Tôn Ngộ Không rồi Alibaba và 40 tên cướp, rất nhàm chán... Không có gì thành tấm thành món, trong khi chúng ta cứ kêu ca là tại sao trẻ em lại không thuộc sử Việt mà chỉ thuộc sử nước ngoài nhưng người lớn đâu có quan tâm đến việc phải sáng tác cho trẻ em.

Hội Nghệ sĩ sân khấu đã từng tổ chức các trại sáng tác về đề tài thiếu nhi chưa, thưa ông?

- Có chứ, hầu như năm nào cũng tổ chức, nhưng các nhà hát, các cây viết đều lờ đi hết, không tham gia, thành ra có năm phải hủy bỏ không tổ chức được. Chúng tôi mời hết, các nhà hát, đặc biệt là những nhà hát chuyên phục vụ thiếu nhi như rối, xiếc, vậy mà không ai mặn mà.

img
Một chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi trong dịp hè 2013.

Ngoài trại sáng tác, Hội có kinh phí để đầu tư cho các vở diễn dành cho thiếu nhi không?

- Hàng năm, chúng tôi đều thông báo, nếu đơn vị nào có vở diễn về đề tài thiếu nhi thì Hội sẽ hỗ trợ một phần kinh phí, nhưng không có. Điều này thật đáng tiếc, đặc biệt là các nhà hát nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, hoàn toàn bỏ rơi đối tượng khán giả thiếu nhi.

Tại sao lại như thế?

Tại sao họ không nghĩ tới chuyện phải có vở cho thiếu nhi xem thì các em mới hiểu được thế nào là tuồng, chèo, để yêu mến nghệ thuật truyền thống dân tộc mình, rồi từ đó mới có thế hệ khán giả của tương lai. Còn nếu không, tương lai sẽ rất xám. Thiếu gì chuyện để diễn cho các em xem, những câu chuyện cổ tích như "Thạch Sanh", những tấm gương anh hùng dân tộc gần gũi như Trần Quốc Toản...

Chúng tôi từng gợi ý rất nhiều nhưng hầu như không nhà hát nào quan tâm, họ chỉ lo dựng những vở hoành tráng để đi tham dự hội diễn.

“Ngay tại Hà Nội đang có rất nhiều rạp và nhà hát như Kim Mã, Âu Cơ, Hồng Hà... hay rạp chiếu phim Kim Đồng, đều là những địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ thiếu nhi rất tốt, nhưng vấn đề là lấy cái gì mà diễn trong đó?”.

Theo ông quan sát thì ở các nước có tình trạng thế này không?

- Không, những người hoạt động nghệ thuật các nước rất quan tâm tới đối tượng thiếu nhi, ngoài việc có nhà hát dành riêng cho thiếu nhi thì họ có khoản tiền trợ cấp để các nhà hát phục vụ thiếu nhi. Quan trọng hơn là các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ đều quan tâm tới đối tượng khán giả nhỏ tuổi, chứ không như ở ta.

Kiểm lại mà xem, riêng về lĩnh vực sân khấu, tôi chỉ biết một tác giả duy nhất, đó là ông Nguyễn Văn Niêm, tác giả này luôn viết cho thiếu nhi từ những ngày đầu thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ cách đây 30 năm. Còn hiện nay, không có một tác giả nào quan tâm tới việc sáng tác kịch bản cho thiếu nhi hết.

Vậy chúng ta phải làm cách nào để cải thiện tình trạng này, ông có ý tưởng nào không?

- Theo tôi, phải có một quy định cứng từ Bộ VHTTDL, mỗi năm mỗi nhà hát phải có ít nhất 1 vở phục vụ cho thiếu nhi, bên cạnh đó phải có kinh phí hỗ trợ cho việc dàn dựng vở diễn này. Nếu lãnh đạo nhà hát không tuân thủ thì phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý, còn chỉ nhắc nhở chung chung thì chẳng ai quan tâm đâu.

Nếu làm được điều này thì chẳng cần phải xây dựng thêm rạp riêng để phục vụ thiếu nhi làm gì. Thay vì bỏ tiền xây dựng những cái vỏ hoành tráng mà chẳng có gì bày bên trong thì chúng ta nên quan tâm đến cái ruột.

Xin cảm ơn ông!