Dân Việt

Cái kết có hậu cho sơn nữ Tây Nguyên bị lừa bán qua Trung Quốc

02/06/2013 06:51 GMT+7
(Dân Việt) - Trải qua bao tủi nhục suốt hơn 2 năm lưu lạc nơi đất khách trước khi được giải cứu, Y Nhung đã trở về trong vòng tay buôn làng và được một thanh niên ngỏ lời cưới để xua tan những đau buồn cô mang.

Sập bẫy người tình

Cách đây 4 năm, Y Nhung mới 17 tuổi, là cô gái đẹp nhất trong đám gái của buôn làng Đắk Pông (xã Đắk Tơ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Cái đẹp không lộ ra ngoài mà nằm sâu bên trong như mật ngọt của con ong rừng, phải nhìn lâu, ngắm lâu mới thấy, mới hiện trong con mắt. Nhiều con trai trong buôn làng, và cả con trai những làng bên cạnh đã ngấp nghé muốn “được bắt”, nhưng Nhung lại thích người thanh niên tên Hợp. Nhung chỉ nhớ rằng Hợp quê ở Thanh Hóa thôi, tên làng, xã Nhung đã quên mất rồi. Anh ta là công nhân làm đường, người thấp bé nhưng nói rất hay.

img
Y Nhung bên con và bà mẹ

Một lần Nhung đến lán của Hợp chơi cùng mấy thanh niên trong làng. Hợp bảo: “Đi mua rượu về uống!”. Hồi đó, Nhung có biết uống rượu đâu. Mới nhấp được một ngụm đã thấy cái cột lán mọc thành hai. Nhưng rồi vui quá, tụi bạn cứ xúm vào ép rồi Hợp cũng hùa vào. Thế là Nhung uống, uống cho đến khi tay không cầm nổi cái cốc mới thôi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, Nhung thấy mình đang nằm trong lán của Hợp. Người đau như có ai lấy cây dần, Nhung chống tay ngồi dậy và hốt hoảng nhớ lại từng việc… Rồi Hợp hứa hẹn đưa Nhung về quê cho họ hàng biết mặt để làm lễ cưới. Sau một lúc bối rối, Nhung nghĩ: Chuyện làng phạt là ghê lắm, rồi còn để cái tiếng cho mẹ, cho họ hàng… Nghĩ thêm một lúc nữa, Nhung bằng lòng trốn nhà theo Hợp về quê.

Hôm ấy vào ngày tết, Nhung được Hợp đưa về quê ra mắt họ hàng. Ở nhà chưa được 3 ngày, Hợp bảo đi với Hợp lên Lạng Sơn ra mắt cha. Nhung vui vẻ đi theo. Đến thị trấn Đồng Đăng, Hợp dẫn Nhung vào một con đường ngoằn ngoèo không tài nào nhớ nổi. Mỏi cả chân mới tới một căn nhà lụp xụp. Một mụ tên là Hiền ra đón nói: “Tao là bạn của mẹ chồng mày đây!”. Nhung thấy hơi sợ nhưng Hợp trấn an bảo cứ yên tâm, mẹ thương con dâu lắm. Trong khi Nhung đi vào trong nhà sửa soạn đồ đạc thì Hợp loanh quanh một lúc rồi biến đi đâu mất.

Nhung mệt mỏi ngả mình trên tấm phản ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy thì trời đã xế chiều, đang nghĩ Hợp đi đâu mà lâu về thế thì có một mụ tự giới thiệu tên Mùi, và nói Hợp nhờ mụ ta dẫn Nhung đi mua quần áo. Hai người lên một chiếc xe đã chờ sẵn. Lại một chặng đường ngoắt ngoéo cho đến khi dừng lại trước một căn nhà ẩn sâu trong ngõ núi. Đang ngơ ngác thì Nhung bị một gã vẻ mặt bặm trợn lôi vào một căn phòng tối om. Lúc này Nhung mới nhận ra là mình đã bị thằng chồng hờ khốn nạn lừa bán.

Cô sơn nữ trong chín tầng địa ngục

Lúc ấy, cánh cửa xịch mở, mụ Mùi bước vào. Cái vẻ thật thà từ lúc gặp biến mất thay vào đó là một bộ mặt nanh ác, mụ nói như lọt qua kẽ răng từng tiếng một khiến Nhung sởn cả gai ốc: “Thằng Hợp đã bán mày cho tao để làm gái. Đây là đất Trung Quốc rồi. Mày muốn ra khỏi đây thì hoặc phải đi tiếp khách cho đủ tiền tao mua hoặc chết mất xác chốn này. Không nói nhiều, tùy mày nghĩ…”. Nhung hoảng loạn kêu gào, nhưng xung quanh không ai nghe thấy. Mà có nghe thấy thì cũng chẳng có ai dám xông vào can ngăn.

img
Anh Quách Văn Nhân, chồng Y Nhung đang bế con

Người khách đầu tiên, Nhung chống trả quyết liệt. Việc làm của Nhung ngay lập tức bị trả giá. Hai gã ma cô lực lưỡng, tên nắm tóc Nhung ghì xuống giường, tên kia thả sức đấm đá cho đến khi Nhung nhàu nhĩ, tơi bời như một đống giẻ rách. Chiều hôm đó rồi cả hôm sau, Nhung bị bỏ đói đến không gượng dậy nổi. Suốt hai tháng trời, Nhung có cảm giác mình như một con thú nhồi bông, mặc sức cho lũ khách giày vò. Đi mỗi bước là lũ ma cô dõi theo mỗi bước. Không những thế mỗi lần tiếp khách xong là ngay lập tức Nhung bị khám xét, có đồng “bo” nào của khách là chúng lột sạch…

Nhung phải ở trong căn phòng mù mịt tối tăm, chẳng cần biết đến ngày tháng. Lúc ấy, có một người khách Trung Quốc tên là Pô Chải đến xem mặt Nhung. Mụ chủ thì thầm một lúc với ông ta rồi bảo: “Đi theo ông này!”. Một thoáng hy vọng mơ hồ vụt lên trong tâm trí cô sơn nữ đang sống trong chuỗi ngày tủi nhục, Nhung lập cập thu dọn quần áo đi theo. Đến nơi, Nhung mới biết đấy là một động mại dâm ở thành phố Quảng Đông. Một mụ béo lùn rất khó đoán tuổi ra đón. Mụ nói ngay: “Bà Mùi đã bán mày cho tao. Mày đi khách khi nào đủ số tiền tao mua thì được tự do…”. Vì đã quá quen với những điều này, Nhung không nói năng gì bởi cô biết rất khó để thoát khỏi tay bọn buôn người này.

Nhung phải tiếp nhiều khách mà gã nào cũng già khụ, hôi hám. Họ cấu xé, cho đến khi kiệt sức mới chịu buông tha Nhung. Đã nghe bài học từ những người cùng cảnh ngộ, Nhung tự nhủ phải cắn răng chịu đựng, uất quá thì khóc lên cho nhẹ lòng, vậy mà rồi cũng không thoát sự hành hạ hiểm ác của mụ. Có những trận đòn tàn nhẫn của mụ đã khiến Nhung hơn một tuần sau mới nhúc nhắc đi lại được. Chưa kịp lành vết thương, Nhung lại bị bắt phải tiếp khách.

Khi đã chịu không biết bao nhiêu sự đối xử tàn nhẫn của mụ chủ, Nhung cùng hai cô gái khác là Quỳnh và Chin Chua bỏ trốn. Họ bí mật giấu tiền “bo” của khách và lặng lẽ chờ cơ hội… Một hôm vừa ăn cơm tối xong, mụ chủ bỗng dưng thấy khó ở nên đi nằm sớm. Tay gác cửa được mụ cho ra chợ vẫn chưa thấy về. Thấy cơ hội đã đến, 3 người xuống tầng dưới giả bộ như xem có khách đến không. Thấy mụ ta vẫn không để ý, họ nhanh chân thoát ra ngoài. Chin Chua kêu taxi đưa cả ba về quán cơm nơi cô từng làm thuê trước đây. Ông chủ là người tốt, cho họ ăn ở ba hôm rồi chỉ đường cho Quỳnh và Nhung về Việt Nam trong nỗi sợ bị bắt lại…

Hạnh phúc muộn mằn nở từ trong ngang trái

Khép lại câu chuyện về những chuỗi ngày tủi cực nơi xứ người. Nhung hào hứng kể cho tôi nghe về chuyện tình đặc biệt của mình, về người chồng mà chẳng bao giờ Nhung dám mơ ước tới. Anh tên là Quách Văn Nhân, quê ở Bãi Bò, xã Hữu Nghị (huyện Như Thanh, Thanh Hóa), là công nhân vô làng Nhung làm đường, hơn Nhung 1 tuổi…

img
Y Nhung mang cơm lên rẫy cho chồng

Ngồi bên đứa con mới sinh chưa đầy một tuổi, anh Nhân cười hiền cho biết: “Gặp việc gì là giúp việc đó. Nhung chẳng giấu Nhân chuyện gì, kể cả chuyện khủng khiếp của những ngày ở trong nhà chứa nhưng với mình thì yêu nhau là chấp nhận hết!”. Lúc ấy, mẹ Nhung bảo: “Thằng Nhân miệng không biết nói hai lời, con người ở trong nhà, cái chân cái tay để ngoài rẫy, cái bụng nó thật như cái chiêng ngoài đêm hội, mẹ sao lại cản con nữa?”.

Thế là sau hơn một năm kiên trì với tình yêu của mình, đám cưới của Nhung và Nhân đã diễn ra trong sự mừng vui của bà con trong buôn làng. Nhân quyết định ở lại quê vợ lập nghiệp, dẫu chỉ là cái nhà lợp lá, vách che bằng vải bạt trơ trọi cuối làng nhưng Nhung vẫn thấy ấm cúng, hạnh phúc lắm. Nhung thẹn thùng bảo: “Lấy chồng đã hơn năm nay rồi mà Nhung vẫn chưa nguôi xúc động, cứ ngỡ như người chồng ấy được Yàng đem cho để bù lại nỗi bất hạnh của Nhung đấy”.

Mặc dù cuộc sống của hai vợ chồng còn nhiều khó khăn, nhưng Nhung tin rằng khi có được tình yêu trong tim của hai người, cái rẫy cái rừng sẽ đẻ ra của cải cho vợ chồng Nhung thôi. Đêm, trong bập bùng ánh lửa, ngôi nhà của Nhung ấm cúng hơn khi có tiếng cười của con trẻ, có tình yêu và sự cảm thông chia sẻ của hai con người đã trải qua nhiều nỗi cực nhọc của đời người.

Theo Dòng Đời