Dân Việt

Công trình Đại lễ: Những tuyến đường nhếch nhác

04/11/2010 09:02 GMT+7
(Dân Việt) - Đại lộ Thăng Long và đường Lê Văn Lương kéo dài là hai trong số nhiều hạng mục công trình chào đón 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thế nhưng đến nay, hai tuyến đường này vẫn rất nhếch nhác...
img
Cảnh nhếch nhác trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài.

Hết hồn vì đi lại

Theo ghi nhận của NTNN, công trình đường Lê Văn Lương kéo dài đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh nhếch nhác ở hai bên vỉa hè. Nhiều cột đèn cao áp được đặt chỏng chơ. Đường dây điện có chỗ được giăng qua đường chỉ bằng những cọc gỗ, thang tre một cách rất cẩu thả. Hàng quán với rất nhiều mặt hàng, từ trà đá, mũ bảo hiểm… cũng không biết từ đâu mọc lên nhan nhản.

Cảnh dưới lòng đường cũng thảm hại không kém. Nhiều ổ gà, hố ga sâu hoắm, không có nắp đậy gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Bụi và rác thải cũng rất nhiều. Mỗi khi có một chiếc xe trọng tải lớn đi qua thì khói bụi mù mịt khiến người dân quanh vùng rất bức xúc.

Anh Trần Anh Tuấn, nhà ở gần khu vực đường Lê Văn Lương kéo dài cho biết: “Từ lúc khởi công xây dựng công trình này cho đến giờ, cứ ra đường là chúng tôi phải đeo khẩu trang kín mặt vì khói bụi. Chưa kể tình hình an ninh trật tự trên đoạn đường này cũng chưa được đảm bảo. Hàng đêm có rất nhiều nam nữ thanh niên không đội mũ bảo hiểm phóng xe ầm ầm trên đường. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn, tai nạn giao thông rất dễ xảy ra”.

Đại lộ Thăng Long được coi là tuyến đường dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam cũng không khá hơn là bao. Nhiều rãnh thoát nước chỉ được che chắn tạm bợ bằng những mảng bê tông to, cồng kềnh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều đoạn vỉa hè mặc dù mới được xây dựng, nhưng đã có dấu hiệu bong tróc nghiêm trọng. Nhiều nhánh đường ở hai bên đại lộ Thăng Long chỉ là những đoạn đường đất thô sơ.

Mỗi khi có mưa, những đoạn đường này trở nên nhầy nhụa, bẩn thỉu. Bùn đất cũng theo nhiều chiếc xe vào bôi bẩn đại lộ. Hàng rào chắn ở hai bên đại lộ đã bị mất rất nhiều ốc vít, thanh chắn. Nhiều cọc và rào chắn bị đâm đổ, nhổ lên đặt chỏng chơ hai bên đường. Các phương tiện giao thông lợi dụng việc rào chắn bị hư hỏng để rẽ đường đi tắt xuống đường nhánh.

Theo phản ánh của rất nhiều người dân tham gia giao thông, trên đại lộ Thăng Long chưa có những đoạn đường hầm, đường rẽ nên việc di chuyển vào các khu vực gần đó như Từ Liêm, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức… phải đi vòng rất xa. Vì thế, để tiết kiệm nhiên liệu và thời gian, nhiều người đã đi tắt, luồn lách ở các khu vực dải phân cách.

Đau đầu nhà quản lý

Trao đổi với NTNN, ông Lê Minh Huyền - Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng – Hòa Lạc (đại lộ Thăng Long) cho biết: Vừa rồi, để chuẩn bị cho Đại lễ, UBND thành phố Hà Nội đã làm lễ thông xe và gắn biển công trình 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Điều đó không có nghĩa là đại lộ Thăng Long đã chính thức được khánh thành.

Đại lộ chỉ chính thức được khánh thành khi hoàn thiện xong cả hai đường cao tốc và hai đường gom. Những đường hầm, đường rẽ để các phương tiện giao thông có thể quay đầu xe cũng đang từng bước được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Dự kiến đến cuối năm, đại lộ Thăng Long sẽ hoàn thành và bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội trực tiếp quản lý.

Việc đại lộ Thăng Long đã có dấu hiệu xuống cấp, ông Huyền cho biết, công trình vẫn chưa hoàn thiện và bàn giao nên đơn vị thi công vẫn phải trực tiếp quản lý và bảo vệ tài sản ở từng hạng mục mà mình thực hiện.

Tuy nhiên, do ý thức của người dân chưa cao, hơn nữa việc xử phạt không nằm trong thẩm quyền của Ban quản lý, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Từ Liêm tổ chức tuyên truyền tới nhân dân các địa phương về việc ý thức bảo vệ tài sản quốc gia.

Nhưng tính đến thời điểm này, việc tuyên truyền vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Vì vậy, việc bảo vệ tài sản đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng – Hòa Lạc vẫn chưa có phương án nào cụ thể để ngăn chặn tình trạng này. Tất cả đang trông chờ sự hỗ trợ của thanh tra giao thông, công an…

Còn trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, giải thích cho sự nhếch nhác, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Hadinco), đơn vị thi công công trình cho biết: Vì thời tiết mưa nhiều, nên công trình không thể tiến hành đồng bộ và đúng tiến độ được.

Khi đường Lê Văn Lương mới hoàn thành phần bề mặt mặt đường, chủ đầu tư đã cho tiến hành thông xe trước để kịp phục vụ Đại lễ. Những vấn đề liên quan khác như vỉa hè, nhà dân… sẽ tiến hành sau. Vì vậy đến bây giờ, đơn vị thi công đang cho triển khai hoàn thiện nốt tất cả các phần phụ như vỉa hè, cột điện, đổ lại các tấm nắp hố ga. Tất cả các vấn đề trên vẫn đang từng bước được hoàn thiện.

Khi đường Lê Văn Lương mới hoàn thành phần bề mặt mặt đường, chủ đầu tư đã cho tiến hành thông xe trước để kịp phục vụ Đại lễ. Vì vậy, những vấn đề liên quan khác như vỉa hè, nhà dân…, chúng tôi sẽ tiến hành sau.

Kỳ 3: “Bụi phủ” các thước phim