Chết vì những bệnh có thể chữa được
Cấp cứu trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Cuối tháng 1.2011, ở làng Tắk Póc, xã Trà Cang (Nam Trà My), cháu Hồ Văn Đông (2 tháng tuổi) và một cháu bé mới sinh của chị Hồ Thị Thiên (làng Ngọc Rỗ) bị chết. Nguyên nhân được xác định do viêm phổi và do rét...
Trước đó, chỉ trong vài ngày, tại xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) có 10 trẻ em tử vong vì viêm phế quản cấp. Anh Đinh Văn Thu, có con gái Đinh Thị Lam tử vong dạo đó nhớ lại: “Cháu bị tiêu chảy, ho ra máu kéo dài. Sau khi mang xuống trung tâm y tế thì bệnh nặng thêm nên cháu qua đời”.
Ngay sau đó, cũng tại Nam Trà My có thêm 4 trẻ của xã Trà Dơn lại qua đời vì bệnh viêm phế quản cấp. Theo thạc sĩ Đỗ Mạnh Hùng- Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viêm phổi và viêm phế quản cấp không phải là bệnh chết người, hầu hết trẻ bị bệnh này cấp cứu kịp thời ở Viện Nhi được cứu sống.
Nam Trà My không phải là địa phương cá biệt. Theo Sở Y tế Quảng Nam, năm 2010 có 405 trẻ sơ sinh dưới 5 tuổi tử vong sau khi nhập viện điều trị tại các trung tâm y tế huyện. Trong đó, nhiều nhất là huyện Nam Giang (132 trẻ), Đông Giang, Phước Sơn (117 trẻ)...
Tương tự, anh Nguyễn Quốc Thắng (thị trấn Quảng Uyên, xã Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) cũng vừa trải qua nỗi đau mất con trai chưa đầy 3 tháng tuổi đêm 22.2. Anh Thắng ngậm ngùi: “Cháu bị viêm màng phổi giai đoạn 4. Cấp cứu 3 ngày ở Cao Bằng không tiến triển, phải chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Trung ương”.
Bác sĩ Nguyễn Lam Hồng - Trưởng kíp trực tối 20.2 tại khoa Sơ sinh- Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé là do bệnh đã tiến triển tới mức nguy hiểm nhưng địa phương giữ lại quá lâu (3 ngày), lại chuyển viện qua một chặng đường dài gần 200km nên cơ thể bị tụt nhiệt độ và tử vong.
Cứ bệnh nhi là chuyển tuyến
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa khu vực Quảng Nam (đóng tại huyện Điện Bàn), dù có tên là bệnh viện đa khoa tỉnh, có khoa Nội-Nhi, nhưng hầu hết các trường hợp nhi sơ sinh được đưa đến cấp cứu đều không dám giữ lại điều trị mà chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Lý do là vì sự nghèo nàn về trang thiết bị, kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng.
Không riêng gì các bệnh viện tuyến huyện vùng sâu, xa, ngay tại Hà Nội, các bệnh viện đa khoa cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh.
Bác sĩ Nguyễn Thiện Thuật -Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thừa nhận, toàn khoa hiện có 6 chiếc lồng ấp thì 5 chiếc đã hỏng. Ngoài ra, khoa có 2 máy CPAP điều trị suy hô hấp cũng đang “đắp chiếu”.
Như vậy, dù phương tiện có nhưng hầu hết đã hư hỏng, mất khả năng sử dụng. Cộng thêm vào đó là hệ thống cơ sở, buồng bệnh để chăm sóc cho trẻ sơ sinh cũng không có, nhiều phòng chưa đạt tiêu chuẩn cách ly vô trùng.
Minh Nguyệt - Vũ Vân Anh