Thiếu nguyên liệu trầm trọng
Có thể nói cho đến thời điểm này, tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất TĂCN ở Việt Nam đã đến mức trầm trọng, khi hàng năm nước ta phải nhập khẩu từ 55-60% tổng sản phẩm nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là nguyên liệu giàu năng lượng và protein.
Nguyên liệu nhập khẩu tăng giá sẽ đẩy giá thức ăn trong nước lên cao. |
Theo con số thống kê của Hiệp hội TĂCN Việt Nam, trong mấy năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu đã liên tục tăng. Nếu năm 2009 nhập 6 triệu tấn, thì con số này của năm 2010 đã tăng lên 7,7 triệu tấn và dự kiến năm 2011 sẽ tăng lên đến 8,5-9 triệu tấn, tương đương kim ngạch 3,2-3,4 tỷ USD.
Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết: “Hiện trong nước có đến 241 nhà máy sản xuất TĂCN, trên thực tế nguồn nguyên liệu cho các nhà máy này sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, kể cả các đại gia”.
Nhiều doanh nghiệp hiện cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu TĂCN với số lượng lớn như Công ty Aprocimex dự kiến nhập 180.000 tấn, Công ty Thái Dương nhập trên 100.000 tấn, Công ty Quang Minh cũng dự kiến nhập hàng trăm nghìn tấn.
Ông Trần Quang Thành- Uỷ viên Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết: “Năm nay, hai loại nguyên liệu nhập khẩu là ngô và khô dầu đậu tương sẽ tăng nhiều nhất, như ngô có thể tăng từ 1,5 triệu tấn lên 2,5 triệu tấn, khô dầu đậu tương cũng tăng lên cỡ gần 1 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung sẽ rất căng thẳng”.
Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội TĂCN Việt Nam, tổng sản lượng nguyên liệu dùng để chế biến TĂCN công nghiệp cho cả năm 2011 sẽ là 15 triệu tấn, trong đó có 12 triệu tấn dùng cho gia súc, gia cầm và 3 triệu tấn dùng cho thuỷ sản.
Khan hàng, giá thực phẩm sẽ tăng
Sau “vụ” tái xuất hơn 45.000 tấn ngô nhập từ Ấn Độ vì phát hiện nhiễm mọt mà NTNN đã phản ánh, thị trường TĂCN đã thay đổi thấy rõ, riêng giá ngô trong nước đã tăng 11% ở mức 7,4-7,5 triệu tấn (tương đương 356-361 USD/tấn).
Ông Lê Bá Lịch
Hiện giữa lúc vụ tái xuất trên còn chưa được thực hiện, phía Ấn Độ đã có quyết định cấm các doanh nghiệp nước này xuất khẩu ngô sang Việt Nam. Điều này theo nhận định của các doanh nghiệp sẽ khiến cho nguồn cung đầu vào về nước ta gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Bá Lịch: “Một khi mất thị trường Ấn Độ, chúng ta sẽ phải chuyển sang nhập khẩu ngô từ các nước châu Mỹ là Argentina, Brazil và Mỹ. Như vậy, giá TĂCN sẽ chắc chắn tăng lên hơn nữa, mà theo tính toán của chúng tôi mỗi tấn nguyên liệu sẽ bị đội lên từ 30-35 USD/tấn, điều đó đồng nghĩa với việc giá thực phẩm cũng sẽ tăng thêm khoảng 15-20% nữa so với mặt bằng giá hiện nay”.
Một khó khăn nữa đối với ngành TĂCN Việt Nam là do điều kiện thời tiết tại Nam Mỹ bất lợi, nên thời vụ gieo đậu tương ở một số nước, trong đó có Argentina bị chậm, dẫn đến khả năng có thể giảm sản lượng.
Theo ông Phạm Đức Bình- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình: “Với nhiều yếu tố không có lợi như hiện nay: Tỷ giá tăng, nguyên liệu thế giới khan hiếm, có lẽ các doanh nghiệp sẽ phải quay lại khai thác nguồn nguyên liệu TĂCN trong nước, bởi nguồn dự trữ nguyên liệu TĂCN trong nước hiện nay đang rất khan hiếm”.
Ngọc Lê