Không khó để trả lời câu hỏi này, bởi lẽ sân Lạch Tray- sân mùa trước luôn bị đe dọa bởi những án phạt liên quan đến an ninh khán đài- lại trở thành tiêu điểm với 26.000 người, nghĩa là gần 1/2 số khán giả của cả vòng. Nó cũng cho thấy, con số kỷ lục kia là rất "ảo" bởi khi V.Hải Phòng không đá trên sân nhà, lượng khán giả sẽ trở về mức thấp hơn rất nhiều.
Vậy đâu là biện pháp kích cầu? Ở TP.HCM, người ta đã phải dùng biện pháp là quay số trúng thưởng cho khán giả đến sân nhưng dù N.Sài Gòn chiêu mộ rất nhiều hảo thủ thì cũng chỉ có 3.000 khán giả đến sân. Hay ở Hà Nội, khi Hà Nội T&T, HP. Hà Nội, Hà Nội ACB chơi trên sân nhà, lượng khán giả rất thấp và người ta chưa biết làm cách nào để kéo người xem đến sân đông hơn.
Mới rồi, một thành viên của Hà Nội T&T sau khi đội đá ở Thái Lan về đã khen bóng đá nước này hết lời và đưa ra lời giải thích vì sao khán giả Việt Nam không thích xem đá bóng nội.
Các ông bầu ở Việt Nam tập trung đầu tư rất nhiều vào việc tìm ngôi sao cho đội bóng, mong có thành tích tốt ở V.League chứ không đầu tư cho khán giả. Nói một cách cụ thể hơn là khán giả không chỉ có mỗi việc đơn giản là mua tấm vé, ngồi xem xong rồi về. Cái người ta cần là được chìm trong không khí lễ hội, được trọng thị và chăm sóc như những người mua hàng thực sự.
So với bóng đá trong khu vực, chất lượng V.League không thấp, nhưng chất lượng phục vụ khán giả lại ở mức báo động, thậm chí không có gì gọi là phục vụ khiến cho người xem xa khái niệm thưởng thức bóng đá mà thay vào đó chỉ là 90 phút ngồi trên sân.
Bởi thế ngay cả khi vòng 6 V.League có lượng khán giả tốt, cũng không thể vỗ tay mà nói rằng V.League đã thực sự nỗ lực kéo khán giả tới sân và xem họ như là thượng đế.
Vi Thành