Vào“mùa khốn khổ”
Chị Nguyễn Thị Thu ở xã Việt Lập huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết, từ hai tuần trở lại đây, cứ cách một ngày lại cắt điện một ngày, làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. "Tôi có cháu học lớp 12 đang ôn thi mà điện đóm cứ phập phù nên đang tính tới phương án mua ắc quy hoặc máy nổ" - chị Thu phàn nàn.
Thiếu điện khiến sản xuất của doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn. |
Bà Nguyễn Thị Thơm ở xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cũng cho biết: "Vừa sáng 15.3 nhà tôi cũng bị cắt 3 tiếng, chỉ thấy họ thông báo cắt điện trong tháng nhưng chẳng thấy thông báo cụ thể thời gian cắt như thế nào".
Tại các tỉnh miền Trung, nông dân cũng gặp cảnh khốn khổ tương tự. Anh Nguyễn Nhân - chủ xưởng mộc Hạnh Nhân ở xóm 5 xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bức xúc: “Chưa vào mùa nắng cao điểm mà ngành điện lực đã áp dụng lịch cắt điện gây khó khăn cho người dân.
Đã hơn nửa tháng nay, điện lực áp dụng lịch cắt điện luân phiên 2 ngày một lần, mỗi lần cắt 2 tiếng đồng hồ, gây ách tắc sản xuất và kinh doanh. Những lúc mất điện, công nhân ngồi chơi xơi nước. Xưởng mộc không thể đáp ứng đúng thời gian giao sản phẩm cho khách hàng”.
Ông Hoàng Văn Ngụ- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc cho biết: “Nếu khoảng gần chục ngày nữa mà điện vẫn bị cắt như thế này thì 3 trạm bơm trong xã không thể vận hành được vì trạm bơm đi chung đường điện sinh hoạt”.
Doanh nghiệp khốn đốn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các nhà máy chế biến thủy sản là một trong những nơi đang chịu tác động nhiều nhất của việc cúp điện. Theo ông Thái Phong - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thiên Hà, khó khăn lớn nhất của công ty thời điểm này không phải là thiếu nguyên liệu mà là thiếu điện.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Việt Phát (Nghệ An).
Từ đầu tháng 3, Sở Điện lực Tiền Giang cứ 1 ngày có điện thì 2 ngày cắt điện. “Điều này khiến hoạt động sản xuất chế biến của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng" - ông Phong nói.
“Nếu dùng máy phát điện, DN thủy sản chỉ có thể cầm cự hoạt động của các kho lạnh công suất nhỏ và trung bình chứ không thể chạy ổn định cả dây chuyền chế biến tôm. Thiếu điện sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng hàng xuất khẩu" - ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP lo lắng.
Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: “Từ đầu tháng 3 đến nay, ngành điện lực cứ liên tục cúp điện khiến nhiều nhà máy ở ĐBSCL bị đình trệ trong việc xay xát lúa, sơ chế để tạm trữ. Các doanh nghiệp đều phản ánh lên VFA rằng, nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo mà Chính phủ đang đề ra cho ngành".
Một trong các biện pháp "chữa cháy" mà hầu hết các DN chọn là chạy máy phát điện. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp "chữa cháy" vì chi phí chạy máy phát điện cao hơn dùng điện, nhất là khi giá cả xăng dầu đều tăng như hiện nay, nên DN cũng đang chỉ mua cầm chừng lúa gạo.
“Trong báo cáo vừa gửi lên Bộ Công Thương, chúng tôi đề nghị ngành điện lực ưu tiên cung cấp điện hơn cho ngành, đặc biệt là trong thời gian thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ nay đến 15.4" - ông Huệ cho biết.
Phụng Anh - Hữu Anh - Thanh Xuân - Tiến Dũng