Trong khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang tái hoành hành ở nhiều nơi, thì các lò giết mổ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)- dù đã được tập trung và cấp phép, vẫn hoạt động trong tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch sơ sài, gây ô nhiễm môi trường.
Mất vệ sinh
Chở heo ở lò mổ ra chợ tiêu thụ. |
Theo chân anh B - dân chuyên giết mổ heo ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến quy trình giết mổ rất “đáng sợ”. Khoảng 22 giờ, lò mổ bắt đầu hoạt động với 6 “đồ tể” cởi trần trùng trục. Họ thi nhau cắt tiết, cạo lông, ra thịt, làm lòng. Tất cả các công đoạn đều thực hiện trên sàn xi măng nhám nhúa.
Trước khi cắt tiết, hầu như 100% số heo này đều không được ai rửa sạch. Heo trói ngay trong chuồng, rồi cứ việc đem ra cắt tiết. Ai ưa món huyết heo, có lẽ không khỏi rùng mình, nếu chứng kiến. Mất vệ sinh nhất là phần nội tạng heo được vứt bừa bãi khắp nơi ngay trên sàn xi măng có cả phân, lông heo vừa làm xong… Tất cả các quy trình đều được làm thủ công, sau đó, phần thịt heo được chia nhỏ ngay trên sàn rồi bỏ lên xe đem ra chợ tiêu thụ.
Cũng phải nói thêm, các lò giết mổ do hầu hết hoạt động vào ban đêm, nên đều vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường. Tại tỉnh Hậu Giang, khi Sở TNMT tỉnh kiểm tra thì có rất nhiều lò giết mổ đều vị phạm vì gây ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Minh Châu - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: “Vi phạm chủ yếu của các lò giết mổ gia súc, gia cầm là không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không đảm bảo. Hàm lượng các chất như COD, BOD... vượt hàng trăm lần so với quy định. Rác thải, nước thải đổ trực tiếp ra sông, rạch”.
Có kiểm dịch...
Theo Chi cục Thú y TP.Cần Thơ, trên địa bàn hiện có 33 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, giết mổ khoảng 1.000 con heo, 8.000 con gia cầm và đều được cán bộ thú y trực 24/24 để kiểm dịch đầu vào, đầu ra.
Ông Lưu Phước Hậu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Cần Thơ, cho biết: “Gia súc, gia cầm đều được kiểm dịch, đóng dấu ngay tại lò mổ để đảm bảo khi đưa vào đến chợ đều có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Ngoài ra còn có đội ngũ cán bộ kiểm tra ngay tại chợ, khi phát hiện có sản phẩm không đóng dấu thì tiến hành tịch thu ngay nên đảm bảo thịt gia súc, gia cầm bày bán đều được kiểm dịch”. Tuy nhiên, theo ông Hậu, chỉ đáng lo là tình hình giết mổ “lậu” tuy ít nhưng vẫn còn và rất khó kiểm soát.
Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, ở các lò giết mổ có sự kiểm soát của cán bộ thú y thì việc kiểm dịch cũng rất sơ sài. Sau khi người giết mổ ra thịt xong, cán bộ thú y mới đóng dấu kiểm dịch. Anh B - người chuyên giết mổ heo ở lò mổ thị trấn Phong Điền, cho biết: “Nói là kiểm dịch, nhưng có cũng như không! Sau khi làm xong thì cán bộ thú y chỉ việc… ngó, đóng dấu là xong. Tuy nhiên, mỗi con heo đều phải chi tiền phí kiểm dịch”.
... Nhưng chỉ hình thức
Ông Lưu Phước Hậu
Danh nghĩa là vậy, nhưng thực tế chuyện kiểm dịch của nhiều cơ quan thú y trên địa bàn chỉ là hình thức. Theo một số chủ lò giết mổ, dù rằng cán bộ thú y luôn túc trực tại lò khi bắt đầu giờ hoạt động mỗi đêm (thường bắt đầu từ 20 giờ và kết thúc vào khoảng 4 giờ sáng ngày hôm sau), nhưng sau khi giết mổ xong, nhân viên này chỉ ngó sơ và đóng dấu xác nhận.
Còn theo các chủ sạp thịt ở các chợ, thậm chí đối với gà vịt, cán bộ thú y còn đến tận sạp để xem và đóng dấu tại chỗ. Trong khi đó, nhiều dấu hiệu dịch bệnh không thể quan sát bằng mắt thường. Còn để chính xác và an toàn, nhân viên thú y phải lấy mẫu xét nghiệm những gia súc, gia cầm có dấu hiệu bệnh và kết quả thường chỉ có sau vài ngày.
Nhưng nếu làm vậy, thịt gia súc, gia cầm đã giết mổ sẽ không còn tươi ngon, thậm chí hư hỏng! Do đó, các chủ lò giết mổ, các chủ sạp kinh doanh thịt luôn ủng hộ cách… ngó, đóng dấu và thu tiền, vài ngàn đồng/con. Còn nhân viên thú y cũng nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.
Vì vậy hầu hết các lò giết mổ đều... phụ thuộc vào cán bộ thú y, còn người tiêu dùng cũng chỉ tin vào dấu đóng, tin vào ngành thú y, chứ chất lượng thì… trời biết!
Hoàng Mai - Hồ Hùng