Dân Việt

Người đầu tiên ở Sapa thấy tuyết rơi tháng Ba

17/03/2011 06:47 GMT+7
(Dân Việt) - "Tôi vừa hứng đón vừa gào lên: Tuyết ! Tuyết rơi ! Thế là cả vùng thức giấc ra đón tuyết, náo động như hội", chị Nguyễn Thị Hà kể.

Sáng 16.3, các tỉnh Tây Bắc bất ngờ đón nhận đợt giá rét đột ngột tràn về. Tại Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai) nhiệt độ xuống tới 0 độ C, tuyết rơi trắng xoá nhành cây, mái nhà...

Sa Pa bất ngờ thấy tuyết

Chị Nguyễn Thị Hà, chủ quán ăn tại khu vực du lịch dưới chân Thác Bạc, Sa Pa hứng khởi, kể: Tôi là người đầu tiên ở đây thấy tuyết rơi. Lúc ấy mới khoảng 5 giờ sáng, tôi dậy nhóm lò thì thấy có những túm bông trắng to như nắm tay bám đầy mặt cửa kính. Thấy lạ, tôi mở cửa ra xem thì thấy tuyết rơi lả tả khắp không gian như cả ngàn con bướm trắng vừa vỡ ổ. Tôi vừa hứng đón vừa gào lên: Tuyết ! Tuyết rơi ! Thế là cả vùng thức giấc ra đón tuyết, náo động như hội...

img
Du khách nô đùa trước hiện tượng hiếm: Tuyết rơi mùa xuân ở Sa Pa.

Còn theo anh Nguyễn Tuấn - cán bộ bảo vệ rừng Hoàng Liên - khu vực Lai Châu, trên đỉnh đèo Sa Pa tuyết đã rơi từ 3 giờ sáng. Những túm tuyết ban đầu chỉ nhỏ nhẹ lơ lửng khắp không gian như túm lông vũ thiên nga nhưng rồi cứ dày và nặng dần lên, phủ kín mái nhà, thời tiết tụt đi đến mấy độ trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Tuyết trên đỉnh đèo dày đặc và mãi tới chiều 16.3 vẫn chưa tan hết như bên phía Lào Cai.

Sáng 16.3, cả hai đầu tuyến đèo Sa Pa là ngã ba Bình Lư - Sa Pa và TP.Lào Cai - Sa Pa (Lào Cai) đều ách tắc giao thông do tuyết rơi dày gây trơn, trượt nền đường và lượng du khách tìm về do hiếu kỳ quá lớn.

Với người dân Sa Pa thì chuyện tuyết rơi ở thời điểm này thật là lạ. Tháng 3 sắp kết thúc mùa xuân, bắt đầu một vụ gieo trồng mới, thời tiết lẽ ra phải mưa rào - nắng ấm thì lại có tuyết rơi như ở châu Âu.

Sau giây phút bất ngờ vì gặp tuyết rơi trái mùa thì những chủ nhân khu du lịch và người dân Sa Pa cũng nhanh chóng đối đầu với bất ngờ mới: Chống rét cho bản thân, phục vụ du khách và lo cho gia súc, gia cầm, rau màu dưới ruộng, trên nương.

Anh Chẩu A Chải - nông dân ở xã Trung San, huyện Sa Pa (Lào Cai), tâm sự: "Có tuyết thế này chỉ những người làm dịch vụ du lịch là vui, khắp nơi đông nghẹt khách; găng tay, áo mưa, quần áo ấm, hàng ăn bán chạy như tôm tươi. Còn nông dân thì khổ lắm…

Nhà nông lo giữ trâu, bò...

Sáng 16.3, bếp lửa của gia đình chị Lường Thị Thu ở bản Pó, xã Chiềng An (TP. Sơn La) có tới cả chục người trong bản đang quây quần sưởi ấm. Chị Thu cho biết: Mấy hôm nay tôi đang phải nhờ người giúp thu hoạch gấp vụ sắn để lấy đất trồng ngô, nhưng sáng nay không ngờ thời tiết hạ nhiệt độ nhanh quá, vừa mưa, vừa rét nên đành nghỉ ở nhà để đảm bảo sức khoẻ.

Với gia đình ông Đinh Văn Thoa ở Chiềng Yên (Mộc Châu, Sơn La), việc thời tiết giá rét bất thường không chỉ gây khó cho việc đi nương mà còn nỗi lo gia súc chết rét. “Sáng ra thấy trời lạnh bất thường, tôi phải giục con lớn cùng trai bản mặc ấm đi rừng tìm trâu, bò về để sưởi ấm. Đợt rét trước Tết vừa rồi đã cướp đi nhiều trâu, bò lợn của dân bản rồi. Nếu không chăm sóc trâu, bò tốt thì sau đợt rét này phải đi nương kéo cày thay trâu đấy” - ông Thoa nói.

Anh Hà Văn Trương - cán bộ xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu cho biết: Nhiệt độ ở Phiêng Luông cũng chỉ còn 4-50C nên nhiều gia đình cũng chủ động cho con nghỉ học. Xã đã lập tức đề nghị bà con nông dân chủ động phòng chống giá rét cho người và gia súc, đặc biệt là với các bản còn thả rông gia súc, gia cầm trên nương, rừng để phòng tránh thiệt hại.

Với đồng bào Mông, Dao, Thái… vùng cao Sìn Phài, Khun Há huyện Tam Đường, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) hay Trạm Tấu (Yên Bái), Mẫu Sơn (Hà Giang); Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu (Sơn La)… thì nhiệt độ trong ngày 16.3 là mức bất thường và rất bất lợi cả cho sức khoẻ, sinh hoạt, học tập và sản xuất.

Hoạt động giao thông trên các tuyến đường này cũng trở nên nguy hiểm hơn do giá buốt cóng tay chân; sương mù che chắn tầm nhìn và nước mưa, giá tuyết làm đường sá trơn trượt.