Đó cũng là một câu trả lời sinh động cho chiến thắng của những người lính Việt Nam.
Tình yêu hơn nửa thế kỷ
Gần 60 năm trước, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 Phạm Hồng Sơn đạp xe về thăm người yêu đang cùng gia đình tản cư ở Thiệu Hoá, Thanh Hoá. Anh quyết định "lùi phép" mấy ngày để ở lại cưới vợ. Đám cưới của Trung đoàn trưởng với Đặng Anh Đào - con gái thứ tư của GS Đặng Thai Mai, trong trí nhớ của người con gái út - PGS Xuyến Như: Rất ấn tượng! Có nhiều bộ đội, các cô gái mặc áo trắng múa hát, anh Sơn cũng hát: "Đâu có giặc là ta cứ đi".
Buổi họp báo giới thiệu cuốn sách. |
Tình yêu của Trung tướng GS.TS Phạm Hồng Sơn và PGS.TS Đặng Anh Đào đến nay đã gần 6 thập kỷ, trải dài qua những chiến dịch, những trận đánh ác liệt mà vị tướng tài ba, vốn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen là "dũng cảm, thông minh", đã góp mặt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, qua những năm tháng bà Đặng Anh Đào miệt mài lao động khoa học, nuôi dạy con cái, trở thành hậu phương vững chắc cho người ra trận.
Tình yêu ấy vẫn bền bỉ đến ngày hôm nay, khi NXB Phụ nữ vừa cho ra mắt cuốn sách "Nhớ và quên" (Hồi ức và chân dung) của hai ông bà. Cuộc ra mắt sách hôm qua (16.3) tại Thư viện Hà Nội, các chỗ ngồi đều được lấp kín bởi những người trân trọng và yêu mến họ.
Cử toạ cùng chia sẻ qua cuốn sách, kỷ niệm chiến trận đan xen với những tình cảm tha thiết của vị tướng - người lính Phạm Hồng Sơn gửi về gia đình. Đó là dòng chảy của những cuộc hành quân, những trận đánh, những chứng kiến sự tàn khốc và cả "nỗi buồn chiến tranh", hoà quyện dòng chảy của những lá thư đằm thắm, chia sẻ và dặn dò vợ, con đến những việc giản dị nhất trong nhà.
Phác hoạ đáng quý
Sự đan xen hai dòng chảy này, với kết cấu chặt chẽ, thông tin chân xác và cụ thể, nhờ việc lưu trữ tài liệu, thư từ rất cẩn thận của hai ông bà, đã làm nên những trang viết lôi cuốn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, từ cuốn sách bừng lên tâm hồn, nhân cách con người Trung tướng Phạm Hồng Sơn, từ đó mà hình dung ra sức mạnh và đức hạnh của cả một đội quân đã chiến đấu và chiến thắng với chủ nghĩa nhân văn, khát vọng hoà bình và vẻ đẹp của văn hoá truyền thống.
PGS.TS Đặng Anh Đào
Trung tướng Phạm Hồng Cư, vừa là đồng đội, là người cùng thời, vừa là độc giả, đã khẳng định: Cuốn sách không phải của một người mà của cả thế hệ - thế hệ của một lời thề, đi suốt từ năm 1945 đến 1975 mới giải được lời thề đó.
Nhà phê bình Nguyễn Hoà cảm kích: Họ không có ý dựng chân dung mình. Đó quả là một phác hoạ đáng quý, vì thế hệ đó không còn nhiều, một lúc nào đó, những suy nghĩ, hồi ức của những con người như thế sẽ lùi vào dĩ vãng. Chính vì thế mà chúng ta rất cần những cuốn sách như vậy!
Hoàng Thi