Dân Việt

Không có bất thường phóng xạ tại Việt Nam

17/03/2011 07:25 GMT+7
(Dân Việt) - Hiện nay, các trạm quan trắc quốc gia đang hoạt động liên tục với tần suất cao nhưng chưa phát hiện được dấu hiệu của những đám mây phóng xạ tại Việt Nam.

Đây là thông tin mới nhất được Bộ KHCN đưa ra trong cuộc họp báo ngày 16.3 sau sự cố nổ các lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 Nhật Bản.

img
Các chuyên gia Nhật Bản đang kiểm tra nhiễm phóng xạ sau sự cố nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Chưa phát hiện mây phóng xạ ở Việt Nam

Trong hai ngày nay, người dân Hà Nội và một số vùng phụ cận tỏ ra hoang mang trước thông tin “mưa axit” do ảnh hưởng của những vụ nổ nhà máy hạt nhân tại đất nước Hoa anh đào. Tuy nhiên, theo ông Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử khẳng định: “Đó là thông tin sai sự thật. Mưa axit chỉ xuất hiện khi xảy ra sự cố nổ các lò điện than chứ không xảy ra khi có sự cố ở nhà máy điện hạt nhân”.

img Cơn mưa to diễn ra vừa qua tại Hà Nội và miền Bắc đã được cơ quan khí tượng dự báo và thông tin từ trước đó. Đây là hiện tượng không có gì bất thường. img

Theo ông Tấn, đánh giá của NISA, cho đến nay sự cố hạt nhân ở Nhà máy Fukusuma số 1 là ở mức 4 (tai nạn với hậu quả cục bộ) theo thang sự kiện hạt nhân quốc tế (INES). INES có 8 mức phân loại theo độ ảnh hưởng từ thấp đến cao (từ 0-7).

Tuy nhiên, hiện nay công tác ứng cứu đối với Fukushima rất khó khăn bởi dư chấn vẫn tiếp tục với cường độ lên đến 3-4 độ richter mỗi lần và diễn ra nhiều lần trong ngày. Tính đến nay, thảm hoạ hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô (cũ), năm 1986 được đánh giá ở mức 7, mức tai nạn cao nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường và sức khoẻ con người.

TS Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân cảnh báo: “Hiện nay, tình hình của Nhật Bản đang diễn biến phức tạp. Phóng xạ chủ yếu bị nhốt trong các lò dày 15-20cm. Nếu nổ các lò này thì lượng phóng xạ rò rỉ rất lớn và hậu quả khó lường.

Điều này phụ thuộc lớn vào chất lượng của các vỏ chứa lò phản ứng. Chúng ta luôn mong muốn tình huống xấu nhất không xảy ra nhưng cũng luôn cảnh giác”. Tuy nhiên, ông Nhân cũng cho rằng, nếu tình huống xấu nhất là nổ các vỏ lò chứa phóng xạ thì cũng không thể có Chernobyl thứ 2.

Nhà máy điện hạt nhân ở VN: Sẽ an toàn trước sự cố

Năm 2014, VN sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Sau sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, nhiều ý kiến lo ngại về tính an toàn của nó trước các sự cố. Tuy nhiên, ông Ngô Đặng Nhân cho rằng, chúng ta đã có một thời gian dài chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đây là thời điểm thích hợp.

img Không thể chủ quan trước nguy cơ lây lan phóng xạ từ Nhật Bản vì thực tế sự việc vẫn còn đang diễn biến. Tổ Công tác của Bộ KHCN sẽ theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời đến các ngành, các cấp và toàn xã hội diễn biến sự cố trên cơ sở thông tin chính thức của Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). img

Sự cố hạt nhân ở Nhật Bản là bài học để chúng ta rút kinh nghiệm. Chúng ta cần đẩy nhanh hệ thống cảnh báo, ứng phó với các tình huống xấu nhất, đặc biệt là xây dựng hệ thống quan trắc trên cả nước, kết nối thông tin toàn cầu; đồng thời đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi để vận hành, ứng phó trước sự cố.

Còn ông Vương Hữu Tấn cho biết, trong quá trình lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chúng ta căn cứ trên ba nhóm tiêu chí chính để đảm bảo độ an toàn của nhà máy. Thứ nhất, những yếu tố tự nhiên có thể làm mất an toàn cho nhà máy, như động đất, núi lửa, sóng thần... cần được nghiên cứu cẩn thận.

Thứ hai, các yếu tố do con người gây ra có thể làm mất an toàn cho nhà máy. Thứ ba, ảnh hưởng của nhà máy đối với cộng đồng dân cư trong trường hợp nhà máy hoạt động bình thường hoặc khi nhà máy xảy ra sự cố.