“Nhà nước rất hoan nghênh các nhà ngoại cảm tham gia vào công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, cần phải sử dụng phương pháp khoa học để kiểm chứng lại, nhằm trả lại đúng tên cho các liệt sĩ và đảm bảo sự công bằng trong xã hội”. Trả lời phỏng vấn Báo Dân Việt sau loạt bài về: “Ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ: May ít, rủi nhiều”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Bùi Hồng Lĩnh khẳng định như vậy.
Ông đánh giá thế nào về việc xuất hiện các trung tâm ngoại cảm mọc lên như nấm hiện nay?
- Việc “bùng nổ” ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ như vậy làm đảo lộn chương trình thực hiện tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ của Nhà nước đang thực hiện. Theo tôi phải có sự chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm ngoại cảm.
Thắp hương cho các đồng đội đã hy sinh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ (Gia Lai). |
Hiện nay, tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm đã có quy định nào của ngành công nhận và áp dụng trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ?
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Bùi Hồng Lĩnh |
- Trước hết xin khẳng định chưa có văn bản pháp quy nào quy định về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm. Tuy nhiên, phương pháp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thông qua ngoại cảm có thể coi là một trong những biện pháp hỗ trợ cho công tác tìm kiếm hài cốt, nhưng cần phải kết hợp với phương pháp khoa học và các căn cứ khác để bảo đảm tính chính xác.
Vậy mộ liệt sĩ tìm được bằng ngoại cảm có được đưa vào nghĩa trang?
- Nếu đưa vào nghĩa trang, hài cốt phải do các đơn vị quân đội, chính quyền địa phương tổ chức quy tập đủ điều kiện đưa vào. Đi kèm phải có di vật lịch sử. Còn phương pháp tâm linh cứ chỉ là đi lấy, không có di vật là dứt khoát không đưa vào nghĩa trang. Nếu chúng ta làm như thế số liệt sĩ thật sẽ bị liệt sĩ ảo của các nhà ngoại cảm đưa ra lấp đầy. Cho nên số hài cốt liệt sĩ chúng ta không tìm kiếm quy tập được tôi cho cái đó là nguy hiểm.
Tôi thấy cái đau này đối với từng gia đình là rất lớn, tôi mong các gia đình hết sức bình tĩnh, cộng với các tổ chức quân đội, địa phương để tìm kiếm có cơ sở khoa học, có cơ sở thực tế. Còn gần đây, các nhà ngoại cảm nổi lên ở Nghệ An, Hà Tĩnh, tôi cho rằng đó là hình thức làm ăn phi pháp. Nói là không lấy tiền nhưng lại cho thuê chiếu 150.000 đồng/chiếc, đặt hòm công đức để mọi người bỏ tiền. Hy sinh ở Quảng Trị lại dẫn vào Quảng Bình, chết ở Nam Bộ lại dẫn đến Quảng Trị. Đó là hiện tượng không trung thực, không đúng đắn.
Vậy việc quy tập hài cốt liệt sĩ tới đây sẽ diễn ra thế nào, thưa ông?
- Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng và một số bộ, ngành, địa phương tiến hành quy tập ở một số địa điểm quan trọng. Sắp tới, chúng ta tổ chức dùng các phương pháp, trong đó có phương pháp xác định qua đồng đội, dân chúng, các tổ chức… cộng với khoa học để giải mã một số hài cốt không có tin tức. Tôi đề nghị các gia đình liệt sĩ sau này nếu có vấn đề lấy sinh phẩm, lấy mẫu giám định ADN cố gắng tham gia thực hiện quá trình đó.
Bộ LĐTBXH đang xây dựng đề án tìm kiếm và giám định ADN hài cốt liệt sĩ. Những gia đình tự bỏ tiền đi giám định từ trước có được hỗ trợ?
- Tôi biết một số nhà ngoại cảm giới thiệu đi lấy hài cốt, sau đó gia đình không yên tâm đưa đến giám định, câu trả lời hầu hết đưa đến kết quả không cao, thậm chí không có. Từ đó gây tốn kém cho các gia đình thân nhân liệt sĩ. Tới đây, chúng tôi có chương trình giám định ADN do địa phương giới thiệu về trung tâm của Bộ hoặc trung tâm của các đơn vị giám định, chi phí đó sẽ được Nhà nước chi trả. Vừa qua, một số gia đình tự bỏ tiền ra làm giám định không có kết quả, thậm chí có kết quả nhưng chưa được chi phí, chưa thanh toán sau này chúng tôi sẽ nghiên cứu xử lý cụ thể các trường hợp đó.
Quay trở lại vấn đề bốc nhầm mộ, ông có đề xuất gì về việc xử lý?
- Bộ LĐTBXH vừa qua đã tổ chức họp với các địa phương để báo cáo với Chính phủ vấn đề không chính đáng là tìm mộ bằng ngoại cảm. Chúng tôi đã có chỉ đạo ngành LĐTBXH để theo dõi báo cáo với các cơ quan chính quyền địa phương để xử lý, như không cho đưa vào nghĩa trang. Hài cốt liệt sĩ tìm được là phải sử dụng phương pháp khoa học để kiểm chứng, đó là giám định ADN.
Xin cảm ơn ông!
TS Nguyễn Văn Hà - Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an)
Nhà nước sẵn sàng đầu tư từ 300 - 400 tỷ đồng mỗi năm để quyết tâm trả lại tên cho hơn 500 nghìn liệt sĩ vô danh và liệt sĩ chưa quy tập được. Với những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc thì chúng ta không được phép tính toán. Tuy nhiên, quá trình triển khai cần có dự toán cụ thể, chặt chẽ cho cả quá trình đi lấy mẫu tới giám định.
Bà Đỗ Thị Thúy Hà - đại điện Bộ Tài chính
Thanh Xuân (thực hiện)