Dân Việt

Trung Quốc thuê đất trồng khoai: Nông dân hứng chịu nhiều rủi ro

21/07/2011 13:15 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 20.7, ông Nguyễn Văn Diệp - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã chủ trì cuộc họp bàn xử lý việc người Trung Quốc “núp bóng”người dân địa phương thuê đất trồng khoai lang ở Vĩnh Long.

Ông Diệp khẳng định: Việc thuê 61ha đất của người Trung Quốc là không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam. Việc vi phạm còn thể hiện ở chỗ người Trung Quốc thuê đất để xây dựng kho bãi không thông qua chính quyền địa phương, không đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo quy định của pháp luật.

img
Thu hoạch khoai lang ở Bình Tân (Long An).

Cũng theo ông Diệp, thực trạng này cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, của các cấp, các ngành. Vì vậy cần kiểm tra, xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi nông dân. Theo ông Diệp trước mắt ngành nông nghiệp phải tập trung quy hoạch và có kế hoạch sử dụng đất để tránh xảy ra tình trạng thuê đất như vừa rồi.

Thao túng vùng nguyên liệu khoai lang

Theo thống kê mới nhất của Phòng Kinh tế huyện Bình Minh, có 19 thương nhân Trung Quốc đến địa bàn ven Quốc lộ 1A thuộc xã Thuận An để thuê đất làm nhà kho. Tổng cộng có 10 kho với diện tích 3.425m2 và thuê hơn 485 nhân công để phân loại, đóng hộp xuất sang Trung Quốc.

Bà Phan Thị Bé – Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Minh cho biết: “Hầu hết người Trung Quốc đều giao cho người bản xứ đứng ra thuê với giá khoảng 10 triệu đồng/500m2/năm. Trung bình mỗi ngày có 5 xe tải loại 35 tấn/xe chở khoai sang Trung Quốc với khoảng 165 tấn. Tuy nhiên, việc thu mua này không ổn định, thương nhân Trung Quốc ngừng mua thì giá khoai giảm”.

Sau khi thuê kho, người Trung Quốc bắt đầu “núp bóng” người bản xứ để thuê đất trồng khoai lang. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng cộng có 61ha đất được 3 người bản xứ đứng ra thuê đất trồng khoai lang cho người Trung Quốc. Tất cả đều tập trung ở xã Thuận An với tổng cộng có 233 hộ cho thuê đất sản xuất trong thời gian 3 năm với giá thuê từ 30 - 35 giạ lúa/công/năm (1 giạ lúa = 20kg).

Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Đất ở xã Thuận An chuyển từ trồng lúa sang trồng màu hoàn toàn phù hợp với chủ trương chuyển đổi cây trồng, phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành nông nghiệp (đưa cây màu xuống ruộng với mô hình 2 lúa, 1 màu – PV).

Tuy nhiên, việc người Trung Quốc “núp bóng” thuê đất trồng khoai lang ở đây sẽ phát sinh nhiều rủi ro cho nông dân, như: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường; khi giá biến động, họ sẽ thao túng thị trường, nhiều người đổ xô trồng khoai tím Nhật sẽ gây mất cân đối và bất lợi cho nông dân…

Ông Liêm khẳng định: “Chi cục Bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra xem những cánh đồng khoai lang mà người Trung Quốc “núp bóng” thuê sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật gì, nếu cần sẽ đưa đi phân tích để biết thành phần, tác động như thế nào đến môi trường…”.

Cần bảo vệ quyền lợi nông dân

Ông Phạm Tứ Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long cho biết: “Hoạt động thuê kho bãi làm điểm tập kết, vận chuyển khoai lang đều trái với quy định của pháp luật Việt Nam như: Sử dụng trên 10 lao động phải đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khai báo thuế… Ngoài ra, có đến 50% lượng khoai ở các kho bãi này dán nhãn mác của Trung Quốc, không có nhãn phụ của Việt Nam nên không được phép vận chuyển và không phù hợp với quy định của pháp luật”.

Người Trung Quốc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không nhãn mác, không nguồn gốc và bỏ vỏ chai ngay trên đồng gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm họ làm ra không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của cả vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân...

Cũng theo ông Phương, nông dân Việt Nam không có quyền cho người Trung Quốc thuê đất trồng khoai lang. Theo quy định của pháp luật Việt Nam chỉ có Chủ tịch UBND tỉnh mới được phép cho nước ngoài thuê đất và phải tuân thủ rất nhiều quy định. Nông dân cho thuê đất không có giá trị pháp lý, nên khi có chuyện xảy ra sẽ chịu rủi ro rất cao.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - Nguyễn Văn Diệp, để tránh thiệt hại về lâu về dài, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Đối với những điểm tập kết khoai lang của người Trung Quốc thuê cần kiểm tra, hướng dẫn đăng ký kinh doanh, khai báo thuế đúng theo quy định của pháp luật. Đối với những cánh đồng đã cho thuê đất cũng cần được kiểm tra để xử lý.

UBND tỉnh cũng yêu cầu, để vùng nguyên liệu khoai lang không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay, Sở NNPTNT, Sở Công Thương cần nhanh chóng tìm thị trường mới như: Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia… xây dựng nhà máy chế biến khoai lang để tránh bán sản phẩm tươi, tăng thêm lợi nhuận cho người nông dân. Đồng thời xây dựng thương hiệu khoai lang, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để xuất khẩu vào thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…