Được biết, sau khi ký kết, vào cuối năm 2006, Công ty Vinashin Dung Quất, nay là DQS, đã tiến hành đóng tàu chở dầu này với trị giá 50 triệu USD, tương đương cả nghìn tỷ đồng, do Công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans), thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tàu chở dầu 104.000 tấn đang được đưa vào ụ để sửa. |
Vào thời điểm trên, với chiều dài 245m, chiều rộng mặt boong 43m, chiều cao mạn 20m, đây là chiếc tàu chở dầu hiện đại và lớn nhất lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Theo dự kiến, đến tháng 8.2008 thì chiếc tàu sẽ được hoàn thành. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân nên đến tháng 6.2012, chiếc tàu trên mới được DQS ký bàn giao cho chủ đầu tư là PV Trans, với khoản chi phí phát sinh tăng thêm khoảng 3 triệu USD so với giá trị ban đầu.
“Trước khi bàn giao tàu, chúng tôi đã cho vận hành chạy thử 2 lần với tổng chiều dài khoảng 700 hải lý; đồng thời tàu cũng có được chứng chỉ đăng kiểm của 2 nước Việt Nam và Mỹ” - ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch DQS cho biết.
Ông Đinh Xuân Vinh - Phó Chủ nhiệm dự án đóng con tàu 104.000 tấn này của PV Trans, cho biết: Qua kiểm tra độ an toàn của chiếc tàu, công ty Singapore do PV Trans mời kiểm tra đưa ra kết luận: “Thiết kế của con tàu này theo kiểu Ba Lan nên hiện đã quá cũ và không phù hợp với một số tiêu chuẩn mới so với quy định an toàn của hàng hải quốc tế”.
Vì vậy, sau khi nhận bàn giao vào tháng 6 vừa qua, chiếc tàu chưa thể đưa vào vận hành mà phải neo đậu ở phao số 1 - cảng Dung Quất. Gần nửa năm nằm neo bờ, chiếc tàu đã bị hư hỏng một số hạng mục. Do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vào cuối tháng 10 vừa qua, chiếc tàu đã bị gãy neo và xước lớp bạc trên bề mặt trục của chân vịt...
Ngoài ra, con tàu cần phải bổ sung và chỉnh sửa thêm một số chi tiết nữa mới đáp ứng được với tiêu chuẩn và quy định mới. Và để làm việc này cần phải tốn thêm 4 triệu USD.
Công Xuân