Thưa đạo diễn, việc màn ảnh nhỏ cả nước dạo này chiếu rất nhiều phim về tam nông cho thấy khu vực nông thôn đã không bị các nhà làm phim bỏ quên, thế nhưng khán giả vẫn chưa hài lòng với chất lượng các phim. Theo ông, vì sao có tình trạng này?
- Theo đánh giá cá nhân của tôi, việc làm phim truyền hình nói chung và phim về đề tài tam nông nói riêng của chúng ta còn nhiều bước chưa chuyên nghiệp, chưa có sự đầu tư đúng mức, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Mọi thứ đang ngày càng được đơn giản hóa để tiết kiệm chi phí. Bây giờ rất nhiều đạo diễn không hề phân cảnh, họ tự đặt mình vào vị thế của một người “gia công” cho tác giả kịch bản. Chính vì thế, dấu ấn đạo diễn trên phim truyền hình ngày càng giảm đi và khán giả thì được tiếp nhận những sản phẩm minh họa mức tầm tầm.
Cảnh trong phim “Chàng mập nghĩa tình”. |
Nhiều khán giả nông thôn kêu ca rằng các phim đề tài nông thôn phần lớn chỉ dựa vào khung cảnh nông thôn để nói về các vấn đề nào đó xa lạ với họ, hoặc hình tượng người nông dân bị bóp méo, bị “ngô nghê hóa”...?
- Đó là một thực trạng có thật, bởi chúng ta quá thiếu một đội ngũ biên kịch am hiểu về đời sống nông thôn và văn hóa nông thôn. Nhiều người quan niệm đơn giản, làm phim cho nông thôn dễ lắm, cứ cánh đồng, con trâu, quần áo cũ rách, rồi cũng chuyện xóm làng... thế là xong.
Kỳ thực để có kịch bản hay về nông thôn không đơn giản. Tôi đã từng phải bỏ đi một kịch bản của phần 2 phim “Ma làng” thuê một đội ngũ biên kịch trẻ viết mà tôi không ưng ý để làm lại từ đầu. Bởi vốn sống, vốn hiểu biết của họ về nông thôn chưa đủ, mà làm những kịch bản như thế để phát trên TV, khán giả chắc chắn sẽ phản ứng vì nó không nói lên được câu chuyện của họ.
Khán giả nông thôn rất thông minh, nhạy cảm và thẳng thắn chứ không hề dễ dãi. Mà nhất là các khán giả nữ rất dễ đồng cảm với nhân vật trong phim. Hơn nữa, họ không chỉ coi phim là sản phẩm giải trí, họ cũng tinh tế, sắc sảo lắm. Tôi cho rằng kiểu làm phim mang hình ảnh người nông dân chất phác thật thà để chế giễu là một sai lầm, thời điểm này mà còn làm thế thì lố quá.
Kịch bản luôn là khâu yếu của phim truyền hình VN, kịch bản cho đề tài tam nông lại càng khó và thiếu hơn nữa. Theo ông, chúng ta phải làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
- Ai cũng biết câu “có bột mới gột nên hồ”, đạo diễn không thể “tay không bắt giặc” nếu giao cho anh ta một kịch bản phim sơ sài, mỏng toẹt và không có chút hiểu biết nào về những vấn đề của nông thôn hôm nay. Hãy nhìn lại mà xem, phần lớn những phim nông thôn được đánh giá cao thời gian vừa qua đều xuất phát từ một kịch bản tốt, hình thành trên những tiểu thuyết hay của văn học như “Đất và người”, “Chuyện làng Nhô”, “Ma làng”, “Đất phương Nam”, “Gió làng Kình”… Quan trọng hơn là trong mỗi phim đó đều có vấn đề của người nông dân chứ không đơn giản là chuyện lúa, tôm, cá, trồng cây gì, nuôi con gì.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần
Vấn đề của người nông dân VN bao giờ cũng là vấn đề lớn của cả đất nước, vì đất nước mình là một nước nông nghiệp, xã hội hình thành trên cơ sở kết cấu cộng đồng làng xã. Nếu phim hôm nay không tìm ra được những vấn đề nóng của nông thôn để mà nói thì làm một bộ phim mất bao nhiêu công sức cũng uổng phí.
Ngoài kịch bản hay về tam nông, chúng ta còn thiếu điều quan trọng nào nữa để có phim tam nông hay, thưa ông?
- Theo tôi, điều quan trọng nhất và không thể thiếu muốn có phim hay về tam nông, đó là lòng đam mê của đội ngũ làm phim. Thời nào cũng vậy, tôi tin rằng phim có sức thu hút khán giả là những phim được làm bằng niềm đam mê, tâm huyết, sự cẩn thận chứ không chỉ ở việc lựa chọn đề tài, đối tượng phản ánh nào.
Xin cảm ơn ông!
Hà Thu (thực hiện)