Mùa tuyển sinh hiu hắt
Trường Trung cấp nghề Khôi Việt đến giờ mới tuyển được 32 học sinh. Ông Hà Kim Vọng - Hiệu trưởng than thở: “Chưa bao giờ việc tuyển sinh khó như bây giờ. Với số lượng này, chúng tôi khó có thể tồn tại được”.
Học sinh trung cấp nghề ở Nghệ An học xong có việc làm ngay. |
Tương tự, Trường Trung cấp Công nghệ viễn thông Đồng Nai cũng chỉ mới tuyển được hơn 100 học sinh. Trường Trung cấp Tân Thanh tuyển được hơn 100 học sinh, trong khi chỉ tiêu đào tạo là 1.900. Trường Trung cấp Công nghệ viễn thông Đồng Nai và Trường Trung cấp Phương Đông dù đăng ký chỉ tiêu 800, nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ tuyển chưa tới 70 học sinh. Đặc biệt là Trường Trung cấp Tây Sài Gòn hiện vẫn chưa tuyển được học sinh nào,
Một trường cao đẳng nghề chủ lực ở miền Trung là Trường CĐ nghề Kinh tế - Công nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) đến thời điểm này tuyển sinh được 300 học sinh, trong khi chỉ tiêu đào tạo năm học 2012 - 2013 là 1.600 học sinh. Trường này sẽ phải đóng cửa ít nhất 7 ngành. Trao đổi với NTNN, ông Trần Ngọc Châu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nếu không tuyển được hệ cao đẳng, trung cấp thì chúng tôi sẽ tập trung mở các lớp ngắn hạn chứ như thế này thì chết chắc”.
Trước tình hình tuyển sinh khó khăn như hiện nay, rất nhiều trường đã dùng đến hạ sách cuối cùng là “chuyển nhượng” số học sinh đã chuyển cho các trường khác như Trường Trung cấp Gia Định chuyển học sinh cho Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Lý do của việc khó tuyển, theo đại diện các trường cao đẳng, trung cấp nghề là vì hệ đại học mở ra như nấm và nhiều trường đại học có hệ đào tạo nghề đã hút hết học sinh. Ông Bùi Hồng Điệp - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tân Thanh than thở: “Dù chúng tôi đầu tư cơ sở vật chất rất tốt, nhưng các em vẫn chạy sang các trường đại học có đào tạo hệ nghề bởi nghe “oách” hơn”. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nói: “Hiện có quá nhiều trường đại học, cao đẳng được thành lập và tham gia đào tạo nghề dẫn tới cung vượt quá cầu. Học sinh thì cứ nghe thấy hệ đại học là thích hơn trung cấp, cao đẳng”.
Ngoài ra, theo ông Điệp, bà Hằng, chính sách của Bộ GDĐT cũng “góp phần” đẩy các trường nghề rơi vào tình trạng điêu đứng như: Gia hạn thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng kéo dài đến tận tháng 11.2012 (vốn là thời gian dành cho các trường nghề tuyển sinh), các trường đại học tham gia vào việc xét tuyển hệ trung cấp, cao đẳng nghề.
Đừng để lãng phí nguồn lực
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Hồng Minh - Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề (Tổng cục Dạy nghề) cho biết: “Ngoài lý do khó cạnh tranh với hệ đại học có dạy nghề thì còn có lý do các trường nghề có chất lượng thường tập trung ở các khu đô thị, chi phí học tập cao, do đó khó thu hút học sinh vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt quan hệ giữa các trường dạy nghề với các doanh nghiệp thiếu chặt chẽ nên học sinh không chắc có việc làm sau đào tạo và tiền lương tương xứng với trình độ được đào tạo không”.
Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề
- Sở LĐTBXH TP.HCM
Còn ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM nhận định, dựa vào thống kê của Bộ GDĐT, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại cơ sở dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) rất thấp: Năm học 2006-2007, dạy nghề chỉ chiếm 3,1%, còn TCCN là 1,4%. Riêng năm học 2007-2008, tỷ lệ này là 2,5% và 1,8%. Trong khi đó, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2010-2020 đặt mục tiêu phải thu hút 15% học sinh vào các trường TCCN, 15% vào trường nghề. Như vậy rõ ràng với thực tế của tuyển sinh hệ nghề năm nay, rất có thể các trường nghề sẽ bị “bóp chết” và mục tiêu có thể không đạt.
Trước thực tế này, các chuyên gia về dạy nghề cho rằng, ngay từ bây giờ, công tác hướng nghiệp phải làm thật mạnh mẽ, tới đúng nơi, đúng đối tượng. Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM nêu thực tế: “Hơn 1/3 số học sinh chấp nhận “chờ” kỳ thi đại học, cao đẳng năm sau chứ không học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội, vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Vì thế, cần có hướng nghiệp để các em lựa chọn việc học nghề và đảm bảo các hỗ trợ cho học sinh học nghề như học sinh học hệ đại học, cao đẳng”.
Thanh Tàu