Dân Việt

Hạnh phúc nơi đỉnh trời

11/11/2012 06:11 GMT+7
(Dân Việt) - Nơi chúng tôi đã gắn bó hơn 12 năm để dạy chữ, rèn người là một bản đồng bào Mông hẻo lánh, bao quanh bởi núi cao, vực thẳm từng được bà con địa phương mệnh danh là đỉnh trời của xã ốc đầu Cốc Ly.

Chỉ có hai vợ chồng phụ trách tại phân hiệu Trường Tiểu học bản Phìn Giàng C, cách trung tâm xã tới 8km. Khó khăn, vất vả thật nhiều nhưng bù lại, được ở bên nhau nên chúng tôi đều yên tâm công tác.

Là bản vùng cao, 47 hộ đồng bào Mông của bản Phìn Giàng C đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, quanh năm thiếu ăn thế nên việc học hành của con trẻ ít được quan tâm. Đa phần các em phải phụ giúp bố mẹ chăn trâu, đi nương trồng ngô, làm cỏ. Cả điểm trường có 33 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Tôi dạy lớp 1. Chồng tôi phụ trách lớp ghép 2 và 3. Nơi này, cô giáo không đơn thuần chỉ dạy chữ bởi các em đều không sõi tiếng Kinh, cô phải dạy từ cách đi đứng, chào hỏi đến cầm phấn, cầm bút...

img
Cô giáo Hiệp cùng người bạn đời, người đồng nghiệp.

Ngoài giờ lên lớp, vợ chồng tôi vào bản để vận động, phân tích cho bà con hiểu ý nghĩa của việc cho con cái học chữ để họ không bắt trẻ bỏ học đi làm. Một kỷ niệm sâu sắc mà vợ chồng tôi nhớ mãi đó là khoảng thời gian giữa năm 2011, có một vài hộ đồng bào Mông do thiếu hiểu biết nên nghe theo lời dụ dỗ bỏ bản di cư sang địa bàn Mường Nhé (tỉnh Lai Châu).

Có hộ đi 1 tuần trở về, có hộ sau nửa tháng mới trở về. Thời điểm ấy, cả tháng hai vợ chồng tôi không về nhà thăm con nhỏ mà ở lại duy trì lớp học, phối hợp cùng các anh công an hàng ngày bám bản, có hộ nào trở về thì đến tận nhà vận động cho con em đi học ngay để kịp thi chuyển lớp. Mọi việc rồi cũng tốt đẹp, vui nhất là sĩ số các lớp học do chúng tôi phụ trách luôn đảm bảo...

Đầu năm nay, con đường từ trung tâm xã lên bản Phìn Giàng C đã hoàn thành; điện lưới quốc gia đã được kéo đến từng mái nhà sàn. Nếp sinh hoạt của bà con trong bản đang từng ngày khởi sắc. Chỉ có cuộc sống của vợ chồng tôi vẫn vậy, bởi điểm trường chưa kịp có điện về. Hàng đêm, bên ánh đèn dầu đỏ quạch, chúng tôi soạn giáo án, chấm điểm cho trò trên tấm phản gỗ đặt luôn ở bục giảng và cũng là chỗ ăn cơm, uống nước, cạnh đó là chiếc giường ngủ giản đơn của hai vợ chồng...

Nếu ai hỏi về ước mong lớn nhất, với chúng tôi là làm sao để bản Mông ở đỉnh trời này có thật nhiều em nhỏ được học hết bậc phổ thông, được bước chân vào giảng đường cao đẳng, đại học...

Cô giáo Hoàng Thị Hiệp - phân hiệu Trường Tiểu học bản Phìn Giàng C, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, Lào Cai