Dân Việt

Cần thay đổi khi “cán bộ mặc áo quá rộng”

10/11/2012 14:28 GMT+7
Dân Việt - “Việc lấy phiếu tín nhiệm như cơm phải ăn, nước phải uống, áo phải mặc. Mặc phải thoải mái, dễ nhìn, lịch sự; quá rộng cũng khó nhìn, vướng víu. Ăn uống quá nhiều hay quá ít sức khỏe cũng sẽ yếu"...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phát biểu như vậy sáng nay 10.11 khi Quốc hội thảo luận ở hội trường xung quanh dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn.

Là người đầu tiên phát biểu, đại biểu Khá cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của đại biểu, vì sự ổn định của tổ chức Bộ máy Nhà nước như dự thảo đề ra; một mặt nào đó, lấy phiếu tín nhiệm còn vì sự đoàn kết trong hệ thống lãnh đạo. Vì vậy, một trong những tiêu chí khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm là loại bỏ được động cơ cá nhân.

img
Đại biểu Quốc hội bầu các chức danh chủ chốt của Nhà nước tại Kỳ họp thứ nhất khóa XIII

Nữ đại biểu Trà Vinh làm nóng hội trường khi dẫn dắt vấn đề một cách hình ảnh: “Việc lấy phiếu tín nhiệm như cơm phải ăn, nước phải uống, áo phải mặc. Mặc phải thoải mái, dễ nhìn, lịch sự; quá rộng cũng khó nhìn, vướng víu. Ăn uống quá nhiều hay quá ít sức khỏe cũng sẽ yếu. Nói như vậy có nghĩa là phải chọn cán bộ ngang sức, ngang tầm. Nếu chọn rồi phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe, áo đang mặc của người đang mặc có hợp không; nếu không phải chấp nhận thay đổi”.

Làm sao để việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ mang lại sự thay đổi thực sự cho công tác cán bộ là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị, sau khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu chức danh nào bị 2/3 phiếu “tín nhiệm thấp” thì cần bỏ phiếu tín nhiệm (có thể hiểu là bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm cơ sở để bãi nhiệm) ngay tại kỳ họp đó. Đối với chức danh có trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay kỳ họp tiếp theo, không cần thêm một lần lấy phiếu tín nhiệm nữa.

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cũng đề nghị những chức danh bị tín nhiệm thấp dưới 70% thì nên từ chức ngay.

Đại biểu Triệu Là Phan (Hà Giang) cũng đề nghị Nghị quyết cần có cơ chế khuyến khích người có tín nhiệm thấp tự nguyện xin từ chức. “Xem đây là nét văn hóa, thể hiện tinh thần trước Đảng, trước nhân dân. Tránh trường hợp các cán bộ bám ghế, chỉ khi bị có quyết định miễn nhiệm mới nghỉ” - đại biểu Phan nói.

Với tinh thần muốn việc bỏ phiếu phải thực chất, thể hiện trách nhiệm của người bỏ phiếu, các đại biểu đề nghị rút gọn các mức độ của phiếu. Dự thảo nghị quyết đưa ra 4 mức độ trên một lá phiếu là: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “ý kiến khác”; nhưng một số đại biểu đề nghị bỏ mức độ “ý kiến khác” vì sẽ khó phân loại kết quả và chưa thể hiện trách nhiệm của người bỏ phiếu với cử tri. Thậm chí, đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam) đề nghị phiếu chỉ nên có 2 cấp độ là “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm thấp”.

Để tăng độ chính xác của phiếu tín nhiệm, các đại biểu đề nghị, ngoài các báo cáo của bản thân người được lấy tín nhiệm, cần có thêm các nguồn thông tin khác từ cơ quan quản lý cán bộ đó, thông tin từ dư luận, thậm chí cần tiến hành điều tra xã hội học.

Về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, sáng nay hầu hết các đại biểu đều cho rằng cần rút gọn, tập trung hơn. Theo đó, các đại biểu đề nghị, ở cấp Trung ương chỉ nên tiến hành bỏ phiếu những chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước (49 người).

Ở địa phương, HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Ủy ban nhân dân.