Một thế hệ “đáng thương”
Mọi so sánh luôn khập khiễng và sẽ vô cùng khập khiễng nếu mặc định giới cầu thủ Việt Nam những năm qua được sống trong nhung lụa. “Tôi từng là cầu thủ và sau này là huấn luyện viên (HLV). Tôi hiểu họ lắm. Cầu thủ kiếm tiền có hơn các ngành nghề khác thật, và cũng đương nhiên thôi vì họ làm nghề đặc biệt, “tuổi thọ” ngắn. Hơn nữa, sau quá trình tập luyện, thi đấu mệt mỏi, ai dạy họ cách tiêu tiền có ích?” - HLV lão làng Lê Thụy Hải tâm sự.
Cầu thủ V.Ninh Bình (trái) đã chấp nhận bị phạt 1 tháng lương để thỏa hiệp với ông chủ. |
Chuyện thật như đùa, theo tìm hiểu của Dân Việt, nhiều cầu thủ, trong đó có không ít cái tên đầy tiềm năng trong thời buổi hiện đại này còn không biết cách gửi thư điện tử: “Tôi không biết gửi e-mail đâu, có gì phải nhờ chị tôi” - một cầu thủ Navibank.SG chia sẻ. Nghĩa là đằng sau cuộc sống hào nhoáng của giới quần đùi áo số, ít ai chia sẻ, cảm nhận được sự thiếu thốn về tinh thần của họ. Có lãnh đạo một câu lạc bộ nói: “Cầu thủ đi tập, thi đấu về mệt quá, họ còn biết làm gì ngoài việc ấn “enter” rồi chờ may rủi”.
Nói cách khác, cầu thủ Việt Nam đáng trách 1, nhưng những người quản lý bóng đá Việt Nam còn đáng trách 10. Đó là những người biết rõ những góc khuất nhưng cố tình lờ đi để duy trì sự an toàn, thỏa mãn cái tôi cá nhân mà họ vẫn thường giấu dưới vỏ bọc giữ gìn danh dự cho cả câu lạc bộ, cho bóng đá địa phương…
Ai dám “thoát xác”
Không phải ngẫu nhiên mà từ cách đây 1 tháng, trước thực trạng có phần điên đảo của bóng đá Việt Nam, Dân Việt đã nêu ý kiến về việc thành lập Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp (HHCTCN) để bảo vệ quyền lợi cho các cầu thủ. Thời gian qua, vì gánh nặng cơm áo, không ít cái tên đã chấp nhận để câu lạc bộ chèn ép. Minh chứng là trường hợp của thủ môn Mạnh Hà (Thanh Hóa).
“Năm ngoái, tôi ký hợp đồng 3 năm lót tay 1,2 tỷ đồng nhưng giờ mới nhận được một nửa. Một năm qua, đội bóng đã chuyển tôi xuống làm việc cùng đội U19 với mức lương 4 triệu đồng/tháng, thay vì 25 triệu đồng/tháng như hợp đồng. Lãnh đạo đội bóng cũng tuyên bố sẽ không trả nốt khoản tiền lót tay cho tôi với lý do tôi không còn chơi ở V.League nữa. Tôi đã thuê luật sư ở Hà Nội nhưng cuối cùng lại mất thêm 30 triệu đồng mà chẳng giải quyết được việc gì. Lúc này, tôi nản lắm!”.
Luật sư Phạm Huỳnh - Trưởng Văn phòng Luật sư Tâm Đức (Hà Nội)
Mới đây nhất, các cầu thủ V.Ninh Bình đành đi tìm một lối thoát khi bầu Trường dọa giải tán đội bóng, bằng cách chấp nhận chịu phạt 1 tháng lương. “Người Việt Nam, luôn nói đến chữ tình đầu tiên trước khi nói tới lý nên chúng tôi chấp nhận chuyện đó thôi. Tôi ao ước, và nếu có một ai đó đứng đầu (có thể là một luật sư) trong việc thành lập HHCTCN, tôi sẽ là một trong những người đầu tiên giơ tay ủng hộ”.
Chia sẻ với suy nghĩ này của Mạnh Dũng, cựu tuyển thủ U23 quốc gia Đình Tùng (V.Hải Phòng) nói: “Đã có ban trọng tài, VPF bảo vệ quyền lợi cho các ông bầu rồi, thì tại sao không có HHCTCN. Giá như thời gian tới có người đại diện, có thể là một luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực TDTT nói chung và bóng đá nói chung đứng ra thành lập HHCTCN thì còn gì bằng”.
Dưới góc nhìn của VFF, ông Ngô Lê Bằng, Tổng Thư ký VFF nói: “Cái dở là cầu thủ thường thỏa hiệp chứ có mấy ai kêu ca để VFF vào cuộc đâu. Riêng tôi luôn muốn thành lập HHCTCN để giúp các cầu thủ hiểu luật và hành xử theo luật”.
Lê Đức