Dân Việt

Điện ra đảo Cô Tô: Ngóng niềm vui lớn nhất đời

12/11/2012 06:38 GMT+7
(Dân Việt) - Những ngày qua, chưa bao giờ hơn 6.000 quân dân huyện đảo Cô Tô lại vui mừng, hồi hộp như thế.

Bởi nguồn điện lưới quốc gia đã sắp vươn ra đến cụm đảo xa xôi nhất và cũng rất nhiều tiềm năng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh...

Chỉ mới biết tin công trình kéo điện lưới ra để phục vụ đời sống nhân dân của đảo Cô Tô được khởi công, mặc dù theo tiến độ phải hơn 1 năm nữa dự án mới có kết quả, nhưng với bà con sống ở trên đảo đã hàng chục năm mong ngóng từng ngày niềm vui này, với họ có lẽ đây là niềm vui chung lớn nhất đời.

img
Chiếc máy phát điện tốn kém này đang phục vụ ánh sáng cho hơn 30 hộ dân.

Giá điện lên xuống theo... dầu

Sáng 10.11, chúng tôi có mặt ở xóm Nam Hà, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô. Cả thôn vắng hoe vì mùa này bà con đang đi gặt. Đứng trước trạm phát điện của thôn mới được huyện đầu tư xây dựng, muốn vào xem mà không có chìa khoá cửa, tôi chợt thấy anh Nguyễn Văn Hoằn tay cầm chiếc liềm cắt lúa phóng xe máy ào ào về. Anh Hoằn nói vội: “10 giờ, đến lúc phát điện cho bà con rồi”.

Sau mấy vòng quay tay rất dứt khoát, chiếc đầu máy nổ gầm lên giòn tan, phụt ra những luồng khói trắng, kéo theo đầu phát điện chạy ro ro. Đây là công việc hàng ngày và rất chính xác của anh Hoằn. Có điện cũng là lúc cái cụm dân cư hơn 30 hộ của xóm như được tiếp thêm sức sống, mấy đứa trẻ con gọi nhau í ới về cắm nồi cơm điện để bố mẹ đi làm đồng về có cơm ăn.

Kéo chúng tôi vào nhà chơi, anh Hoằn cũng tranh thủ cắm ấm nước để pha trà đãi khách. Đợi ấm nước sôi, anh kể chuyện về điện ở xóm mình: Cả nhà tôi, khoản điện bao giờ cũng tiêu tốn nhất, mỗi tháng mất khoảng 700.000 đồng, tốn kém hơn cả 3 đứa con đi học.

Nhưng được thế cũng đã sướng chán so với ngày trước gia đình tôi mới từ quê Nam Định ra đây lập nghiệp. Trước kia không điện đóm gì cả, chỉ có mỗi cột đèn hải đăng là có điện, muốn xem ti vi phải mua 2 cái bình ắc quy và đi bộ hơn 5km đường núi để nạp điện. Rồi mấy năm gần đây, được huyện đầu tư cho bộ máy phát và đường dây điện, với phương châm Nhà nước đầu tư 75% kinh phí, còn người dân đóng góp 25%. Nhưng việc chi cho tiền dầu hàng tháng mới là nặng nhất, tháng nào cả xóm 32 hộ cũng xài hết khoảng 20 triệu đồng tiền dầu.

Anh Hoằn cho biết, đã 3 tháng nay anh chưa nhận được tiền trợ cấp của huyện, vừa rồi anh vẫn phải ra đại lý dầu của tư nhân mua chịu 11 xách dầu (khoảng hơn 200 lít). Nốt mẻ này là anh đã nợ đại lý dầu hơn 50 triệu đồng rồi, nếu không sớm nhận được tiền trợ cấp thì có lẽ không còn dầu để duy trì chạy máy phục vụ bà con nữa.

Giờ phát điện của xóm Nam Hà mỗi ngày 10 tiếng so với các xóm khác trong thôn là khá hơn nhiều, buổi trưa từ 10 - 14 giờ, còn chiều từ 16 - 22 giờ. Kể về sự tốn kém khi dùng điện ở đây có lẽ là đắt nhất thế giới mà nó cũng chẳng có quy định nào, vì phải phụ thuộc vào giá cả của dầu trên thị trường. Thời điểm hiện tại, giá mỗi kw điện vào khoảng 16.000 đồng, được huyện trợ giá cho mỗi gia đình 60kWh đầu (khoảng 8.000 đồng/kWh), còn từ kWh thứ 61 trở đi là cứ nộp đều 16.000 đồng/kWh, tháng nào dầu đắt thì có thể lên đến 20.000 đồng/kWh. Ở xóm anh Hoằn, nhà dùng ít nhất thì mỗi tháng cũng phải trả khoảng 500.000 đồng tiền điện, còn nhà dùng nhiều như các hộ anh Sỹ, anh Hợp phải trả khoảng 1,5 triệu đồng.

Phải sống để thấy điện lưới

Bác Nguyễn Thị Thuỳ (67 tuổi), ôm đứa cháu nội hơn 1 tuổi coi quán ở bãi biển Vàn Chải hộ các con đi làm vắng, kể rằng gia đình bác là một trong 43 hộ đi trên chuyến tàu đầu tiên ra tiếp quản đảo Cô Tô năm 1979. Đến giờ còn 9 hộ trong số đó bám trụ lại đảo. Những năm tháng đó, không còn nhớ nổi bao nhiêu ngày phải ăn củ chuối và hạt mì... Rồi những khó khăn cũng từng bước qua đi, cuộc sống được cải thiện. Các con bác Thùy bây giờ đều công tác ở các cơ quan trong huyện. Hôm đi dự lễ khởi công dự án kéo điện ra đảo Cô Tô, bác nghe từ đầu đến cuối không sót một câu nào.

Sáng 4.11, tại huyện đảo Cô Tô, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đã khởi công dự án kéo điện lưới 110KV ra đảo Cô Tô. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.106.7 tỷ đồng.

Bác bảo, chưa bao giờ bác thấy những vị lãnh đạo nói về tương lai của đảo mình tươi sáng đến như thế, chỉ cần có điện thôi là bao nhiêu thế mạnh, ngành nghề của đảo được “bật” lên. “Nghe nói phải 1 năm nữa mới có điện lưới kéo ra. Xóm Nam Hà chúng tôi là điểm đầu tiên của dòng điện từ biển “chui lên” để thắp sáng cho toàn đảo.

Tôi và mấy bà bạn già cùng xóm từ hôm đi dự lễ khởi công về đã bảo nhau, phải sống đến khi nào nhìn thấy dòng điện lưới của quốc gia có chết cũng vui vẻ, với chúng tôi, những người chấp nhận hy sinh, gian khổ có mặt từ những ngày đầu xây dựng đảo, lúc này mới thấy hết được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhân dân của hòn đảo tiền tiêu này” - bác Thùy xúc động nói.