Dân Việt

Thu mua, tạm trữ lúa gạo: Kiến nghị hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

12/11/2012 11:53 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ NNPTNT vừa có văn bản gửi Chính phủ báo cáo về việc thu mua tạm trữ thóc, gạo trong 2 vụ đông xuân và hè thu 2012.

Theo đánh giá, tuy có những mặt tích cực, song nhìn chung qua 2 đợt tạm trữ này, người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi.

Sau tạm trữ, giá tăng không đáng kể

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, thực hiện quyết định của Thủ tướng về thu mua tạm trữ lúa, gạo, trong vụ đông xuân khối lượng thu mua tạm trữ đã đạt trên 1,2 triệu tấn, còn vụ hè thu là hơn 568.000 tấn quy gạo. Tuy nhiên, về mặt giá cả, việc thu mua tạm trữ trong vụ đông xuân không có mấy tác động lên thị trường, khi giá lúa khô chỉ đạt 5.200-5.300 đồng/kg (chỉ tăng 200-300 đồng/kg).

Trong vụ hè thu, dù giá lúa có nhích lên cao hơn đạt 5.600-5.700 đồng/kg (chênh lệch trên 50% giá thành sản xuất), song theo nhiều chuyên gia, giá thời điểm đó chỉ có lợi cho doanh nghiệp, do nông dân cũng không còn lúa để bán.

img
Người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi từ 2 đợt tạm trữ vừa qua.

Trao đổi với NTNN, TS Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long từng cho rằng: Việc thu mua tạm trữ là đúng, vì với tình trạng như hiện nay, giá lúa xuống thấp quá, nông dân đang rất thiệt thòi. Nhưng khi cho doanh nghiệp mua tạm trữ, Nhà nước cũng phải yêu cầu họ mua dứt điểm ngay. Vì cứ như hiện nay, tháng 3 này người nông dân bắt đầu thu hoạch rộ, nếu để sang tháng 4 - 5 mới mua, thì chính sách đó sẽ không có hiệu quả, trong khi đến tháng 6 - 7, chúng ta đã lại có lúa hè thu, lúc đó lại kêu gọi tạm trữ đợt mới.

Chính Bộ NNPTNT cũng thừa nhận, việc thu mua tạm trữ thóc, gạo như hiện nay bộc lộ rất nhiều hạn chế như việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ không phù hợp với khối lượng lúa gạo của từng địa phương; Thời gian mua tạm trữ ngắn (1,5 tháng đối với vụ đông xuân và 1 tháng đối với hè thu) và đồng đều ở tất cả các địa phương, trong khi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thời gian thu hoạch ở các tỉnh lại chênh lệch nhau rất lớn, dẫn đến nhiều thời điểm, việc thu mua không đạt hiệu quả. Ngoài ra, do việc thu mua tạm trữ bằng gạo, nên thường ảnh hưởng đến chất lượng gạo sau thời gian 3 tháng.

Cần triển khai hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

Hạn chế lớn nhất trong chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay, theo đánh giá của Bộ NNPTNT là doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo thường không quan tâm đến đối tượng bán gạo cho mình là ai. Trong khi đó, người nông dân thường không có điều kiện bán gạo trực tiếp cho doanh nghiệp, mà phải bán qua hệ thống thương lái.

Bộ NNPTNT đã tổ chức điều tra hiện trạng và khả năng nông dân tạm trữ lúa gạo tại 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh. Từ kết quả điều tra, Bộ kiến nghị Chính phủ cho triển khai chính sách tạm trữ hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa.

Vì vậy, người nông dân trồng lúa không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách thu mua tạm trữ của Nhà nước. Đặc biệt, phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long đều đã bán lúa gạo cho thương lái trước khi có quyết định thu mua tạm trữ. Do đó, dù giá lúa, gạo trong và sau tạm trữ có tăng, nhưng người nông dân vẫn phải bán lúa với giá thấp. Một hạn chế nữa là với chính sách như hiện nay, rất khó kiểm soát được việc thu mua tạm trữ của các doanh nghiệp.

Từ những hạn chế trên, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, Bộ đã đề xuất lên Chính phủ đề nghị giao cho Bộ NNPTNT chủ trì việc xây dựng quy chế tạm trữ và phương thức phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa gạo qua UBND cấp tỉnh, đảm bảo hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, có tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý. Cũng theo Thứ trưởng Bổng, hiện Bộ đang xây dựng Dự thảo Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa và đang xin ý kiến của các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.