Tại phiên họp ngày 10 - 11.3.2011, sau khi nghe Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 , ý kiến của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị thảo luận và kết luận :
Ảnh minh họa:nguồn internet |
I - TÌNH HÌNH
1- Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2011
Bước sang năm 2011, nước ta có những thuận lợi cơ bản : Nền kinh tế tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thành công tốt đẹp, tạo sức mạnh và niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn. Trên thế giới, kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp : Những biến động về chính trị, xã hội ở một số nước Trung Đông và Châu Phi tác động làm tăng mạnh giá dầu mỏ, giá vàng, lương thực và một số loại nguyên vật liệu cơ bản; thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là khu vực đồng Euro vẫn bất ổn; lạm phát bắt đầu tăng cao ở một số nước trong khu vực vốn là thị trường nhập khẩu quan trọng của nước ta. Ở trong nước, kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, thậm chí lớn hơn so với dự báo cuối năm trước về lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010; giá cả, lạm phát, mặt bằng lãi suất tăng cao so với chỉ số lạm phát và tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp; tình trạng đô la hóa và sử dụng vàng để kinh doanh, làm công cụ thanh toán trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn; tỉ giá biến động mạnh, giá vàng tăng cao; dự trữ ngoại hối giảm ; việc cung cấp điện còn nhiều căng thẳng. Ngoài ra, việc rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ cũng đã gây tổn thất và tác động bất lợi không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân.
Tình hình trên tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và những năm tiếp theo như Quốc hội đã thông qua và Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra.
Nguyên nhân của tình hình trên : Về khách quan, do tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới; về chủ quan là do những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm được khắc phục, bị tích tụ nặng nề hơn trong những năm phải đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế và do một số hạn chế trong quản lý, điều hành của các cấp. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trong nhiều năm qua, nước ta luôn phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao và kinh tế vĩ mô không vững chắc, gay gắt hơn các nước trong khu vực.
2- Tình hình trong thời gian tới
Trên thế giới: Nhiều dự báo cho rằng kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục có những diễn biến xấu. Lạm phát cao diễn ra ở nhiều nước, kể cả các nước trong khu vực. Giá dầu mỏ, lương thực và một số nguyên vật liệu cơ bản còn tăng. Thiên tai, biến đổi khí hậu và những diễn biến mới của tình hình Trung Đông, Bắc Phi tác động xấu đối với nền kinh tế thế giới. Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có mặt còn thiếu ổn định, thậm chí đã có những cảnh báo về nguy cơ tái khủng hoảng.
Ở trong nước: Việc thực hiện đồng thời ba mục tiêu (kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội) và chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2011 gặp nhiều khó khăn, thách thức; kết quả tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố quyết tâm và đồng thuận của toàn xã hội, vào năng lực, hiệu lực, hiệu quả của việc điều hành, tổ chức triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng và Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 24-02-2011 của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng có thể còn tiếp tục tăng cao. Những tác động của các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bên cạnh mặt tích cực, có thể có những tác dụng phụ làm giảm tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, thị trường tài chính, tiền tệ, tính thanh khoản và độ an toàn của một số ngân hàng thương mại, nhất là đối với sự ổn định của hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
II- MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
A- Về chủ trương
- Các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc, nhất quán tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 là : Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nhiệm vụ có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau; cần được quán triệt, triển khai đồng bộ trong suốt quá trình phát triển.
- Tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo . T rong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm. Từ giữa năm 2011, căn cứ tình hình thực tế 6 tháng đầu năm, Bộ Chính trị sẽ có chỉ đạo tiếp theo. Chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 vào lúc này.
- Triển khai thực hiện đồng bộ chủ trương của Đại hội XI về đổi mới kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cụ thể là : Các chủ trương, biện pháp cấp bách trước mắt phải đảm bảo cho việc thực hiện nhất quán các nguyên tắc, các quy luật kinh tế của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần có lộ trình tiến tới chấm dứt việc bao cấp qua giá một số vật tư nguyên liệu quan trọng, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển bình thường và giảm sức ép gây ra lạm phát về sau; các chính sách, biện pháp cần phải dựa trên cơ sở cơ chế thị trường có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước với những lộ trình và bước đi thích hợp.
B- Một số giải pháp chủ yếu
Đồng thời với việc tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nghị quyết Chính phủ đã ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24-02-2011 "Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội", cần triển khai thực hiện những giải pháp đối với các vấn đề quan trọng sau đây :
1- Về tiền tệ, tín dụng
Áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt phải hướng tới kiềm chế lạm phát cao, góp phần ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dần dự trữ ngoại hối. Nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ (đô la) và vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép. Có lộ trình và biện pháp phù hợp trong từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người có tài sản này; quan tâm đúng mức nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân, tránh tạo ra các "cú sốc" về tâm lý gây bất ổn xã hội; khuyến khích, không gây trở ngại cho việc thu hút các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài về nước, tổ chức lại thị trường kinh doanh vàng. Tăng cường quản lý hoạt động các ngân hàng thương mại, tránh rủi ro về nợ xấu, bảo đảm tính thanh khoản; khắc phục những bất hợp lý về lợi nhuận và thu nhập trong lĩnh vực này.
2- Về tài chính và đầu tư
Thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, giảm đầu tư công cần lưu ý : hướng tới giảm bội chi ngân sách nhà nước và nợ công ở mức phù hợp; kiểm soát chặt chẽ đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian hoàn thành công trình như lâu nay.
3- Về thị trường bất động sản
Cần có giải pháp đồng bộ chấn chỉnh thị trường bất động sản, không để trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế bong bóng. Việc kiểm soát, hạn chế dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản cần có lộ trình, bước đi và giải pháp phù hợp; chống đầu cơ nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường bất động sản, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.
4- Về vấn đề nhập siêu
Tận dụng mọi cơ hội tăng cường xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là những mặt hàng xa xỉ, hàng trong nước sản xuất được; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Triển khai quyết liệt chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; thu hẹp dần sự mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu.
5- Về cải cách doanh nghiệp nhà nước
Đẩy mạnh việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng : cổ phần hoá các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; tập trung phát triển ngành sản xuất chính của doanh nghiệp; không khuyến khích phát triển những ngành không liên quan đến ngành sản xuất chính; sớm xác định cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp, khắc phục tình trạng không rõ ràng như hiện nay; sớm ban hành thể chế về quyền và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân sử dụng vốn nhà nước trong sản xuất, kinh doanh.
6- Về vấn đề điện
Song song với việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình điện; cần sớm có chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh các loại nguồn điện; xây dựng phong trào tiết kiệm năng lượng trong toàn xã hội, ban hành chính sách khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích tiết kiệm năng lượng; ưu tiên bảo đảm đủ điện cho sản xuất; không khuyến khích đầu tư và sản xuất, xuất khẩu những sản phẩm tiêu tốn quá nhiều điện.
7- Về bảo đảm an sinh xã hội
Thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội đã ban hành; đồng thời sâu sát nắm tình hình để hỗ trợ kịp thời các đối tượng khác, kể cả đối tượng cận nghèo, người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do tác động của lạm phát và điều chỉnh giá.
Tập trung ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và quản lý tốt hoạt động xuất khẩu lương thực, thực phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn.
8- Về công tác tuyên truyền
Cần quán triệt sâu sắc tạo sự thống nhất nhận thức cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội về tình hình và những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước; củng cố niềm tin; động viên cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và động viên các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, giải pháp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
9- Về tổ chức chỉ đạo, điều hành
- Kiên quyết, nhất quán, đồng bộ trong điều hành triển khai các chính sách và biện pháp đã đề ra; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
- Thường xuyên nắm bắt, phân tích, dự báo kịp thời tình hình; tranh thủ thời cơ, hạn chế rủi ro nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội để phát triển bền vững.
- Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành để có biện pháp động viên, khen thưởng và kỷ luật kịp thời.
*
* *
Bộ Chính trị tin tưởng với sự đồng tâm hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện những chủ trương, biện pháp trên đây và các nghị quyết của Chính phủ, đất nước ta chắc chắn sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra.