Dân Việt

Ưu tiên... không dễ

18/03/2011 06:01 GMT+7
(Dân Việt) - Miễn thi cho thí sinh khuyết tật cũng là tháo gỡ “cái khó” cho các trường ĐH – CĐ trong mỗi mùa tuyển sinh. Nhưng các thí sinh khuyết tật chưa hết mừng thì lại chịu một áp lực chẳng giống ai: Áp lực được ưu tiên.

Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, Bộ GDĐT đã có những thay đổi quan trọng mang tính “bước ngoặt” trong quy chế tuyển sinh, trong đó có việc miễn thi ĐH cho đối tượng là học sinh bị khuyết tật nhằm khuyết khích nghị lực và cố gắng vươn lên của các em.

Mới nghe thì ai nấy đều gật gù với chính sách “mở” và đầy tính nhân văn của Bộ. Tuy nhiên, chỉ có người trong cuộc mới thấy nhiều trăn trở. Miễn thi cho thí sinh khuyết tật cũng là tháo gỡ “cái khó” cho các trường ĐH – CĐ trong mỗi mùa tuyển sinh. Như vậy, thay bằng việc phải bố trí những phòng thi đặc biệt, cán bộ coi thi đặc biệt và nhiều thiết bị khá tốn kém và phức tạp khác, các trường có thể “thở phào” nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ của các thí sinh để nghiên cứu. Nhưng các thí sinh khuyết tật chưa hết mừng thì lại chịu một áp lực chẳng giống ai: Áp lực được ưu tiên.

Trên một số diễn đàn của người khuyết tật, nhiều thí sinh đã đặt ra câu hỏi về sự công bằng trong xét tuyển: “Tâm lý các trường đã rất “ngại” nhận học sinh khuyết tật vào học, nhưng không thể từ chối trong các kỳ thi.

Năm nay có cơ chế “mở” thế này, liệu các trường có thoái thác?”; “Nên đưa ra một tiêu chuẩn hợp lý hơn trên tinh thần tạo ưu tiên cho thí sinh khuyết tật chứ chỉ đơn thuần dựa vào học bạ cũng chưa phù hợp lắm. Ví dụ, có những bạn mặc dù học bạ thể hiện rất tốt, nhưng khi lên học ĐH sẽ bị quá sức, không theo nổi chương trình, dễ gây cho người khác có cái nhìn tiêu cực về mục đích tốt đẹp của sự ưu tiên đó”- Bùi Thị Hà - một học sinh khuyết tật ở Thái Bình bày tỏ.

Ngoài ra, còn có lo ngại: “Nếu không có cơ chế hợp lý liệu có xảy ra trường hợp “chạy” giấy chứng nhận là người khuyết tật để được miễn thi không?”- Hoàng Thị Yến ở Ý Yên (Nam Định) nói.

Một số ý kiến khác còn bày tỏ sự bức xúc và “tủi thân” khi nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm của bạn bè, người quen trước ưu tiên này: “Bạn bè trong lớp nói em học ôn làm gì nữa, kiểu gì chẳng được vào trường nọ trường kia, bây giờ chỉ việc làm thế nào cho học bạ nó “đẹp” là được rồi. Em buồn lắm vì thấy mình như là đang nhận bố thí” – một học sinh khuyết tật ở Hoà Bình tâm sự.

Ưu tiên cho thí sinh khuyết tật là chính sách thiện chí. Nhưng thiết nghĩ, Bộ GDĐT cần có những quy định rõ ràng hơn trong việc ưu tiên để tạo sự công bằng nhất và cũng để người khuyết tật khẳng định được khả năng của mình có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường việc làm sau đào tạo, tránh được những cái nhìn mang tính… ban ơn.