Dân Việt

Đối phó “bão giá”: Mở rộng mô hình hợp tác chăn nuôi

18/03/2011 19:59 GMT+7
(Dân Việt) - Để vượt qua khó khăn, tại TP.HCM đã xuất hiện những mô hình liên kết phát triển chăn nuôi hoặc nhận nuôi gia công cho các công ty lớn với kết quả rất khả quan.

Người chăn nuôi nhỏ lẻ đang chịu nhiều rủi ro vì giá thức ăn biến động mạnh, dịch bệnh bùng phát...

Trước đây, những người nuôi bò sữa ở Củ Chi (TP.HCM) chỉ cần có 5-6 con bò trong chuồng là đủ cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng những năm gần đây, việc chăn nuôi nhỏ lẻ như vậy đã trở thành gánh nặng, do các khoản chi phí thức ăn đậm đặc, hèm bia, thuốc phòng bệnh tăng rất mạnh, trong khi đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp, giá sữa nguyên liệu tăng không kịp với mức tăng chi phí, khiến lợi nhuận biến mất, nhiều khi còn lỗ.

Sống khỏe trong thời giá tăng

img

Nếu biết cách liên kết thì người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ có lợi nhuận cao.

Ông Sáu Hiếu - một trong những hộ nuôi bò sữa tại xã Tân Thông Hội, Củ Chi đã rơi vào tình trạng trên và từng nghĩ đến chuyện bán đàn bò. May thay, HTX bò sữa Tân Thông Hội được thành lập, là nơi những người nuôi bò sữa liên kết lại để hỗ trợ lẫn nhau, và ông Hiếu trở thành thành viên của đơn vị kinh tế hợp tác này.

Ông cho biết: "Vừa rồi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục nhưng tôi không còn lo bởi từ khi vào HTX, đã tiết kiệm được nhiều chi phí, như thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi rẻ hơn do được HTX bán giá gốc, lại không còn phải tốn tiền mua cỏ, thuê người vắt sữa".

Đó là chưa kể ông còn nhận chỉ dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa - điều mà trước đây ông phải tự mày mò, nên năng suất cho sữa của bò được nâng cao. Nhờ thế, trong khi nhiều người nuôi bò phá sản thì hiện nay ông Hiếu và xã viên HTX vẫn có lợi nhuận. Gia đình ông đã tăng được đàn bò từ 5 lên 10 con.

Chị Châu Thị Cúc ở huyện Châu Thành (Long An) thì đi theo con đường khác. Đã không ít lần dịch cúm gia cầm quét sạch đàn gà, vịt nuôi lấy trứng làm chị trắng tay, khi hết lo dịch bệnh thì lại bị ép giá bán. Nhưng giờ đây, những lo lắng ấy đã hết khi chị nhận nuôi gia công cho Công ty Ba Huân (TP.HCM).

Chị Cúc kể: "Tôi chỉ làm một việc là nuôi gà, vịt cho tốt để có trứng nhiều, còn con giống, thức ăn, thuốc thú y, thuốc khử trùng và đầu ra sản phẩm đã có công ty lo". Hiện chị đang nuôi trên 3.000 con vịt, cung cấp cho Công ty Ba Huân gần 3.000 quả trứng mỗi ngày, mỗi tháng thu nhập gần 25 triệu đồng.

Tại huyện Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh) có 10 chị em nội trợ đã lập ra nhóm chăn nuôi heo để giúp đỡ lẫn nhau. Trước đây mỗi người nuôi 5-7 con heo để phụ thêm cho gia đình, nhưng dịch heo tai xanh, rồi chi phí thức ăn tăng quá cao, nên ai nấy đều không có lời.

Giờ đây, những bà nội trợ ấy vẫn nuôi heo, nhưng "nhờ tập hợp nhau thành nhóm chăn nuôi, số heo lớn, chúng tôi đã mua được thức ăn, thuốc thú y, con giống với giá sỉ, lại có chiết khấu vì mua với số lượng nhiều, khi bán heo thì cùng thống nhất một giá, nên chẳng ai ép giá được. Mỗi tổ viên bỏ một ít tiền từ số tiền lời để lập quỹ nhằm giúp chị em thiếu vốn chăn nuôi" - chị Phương Bình - trưởng nhóm, cho biết về phương thức hoạt động của nhóm.

Với cách làm trên, nhóm của chị Bình đã vững vàng vượt qua khó khăn khi giá heo hơi tuột dốc hoặc giá thức ăn tăng quá cao như hiện nay.

Lợi đôi đường

img Khi bà con cùng nhau hợp tác chăn nuôi sẽ có sức mạnh trong việc thỏa thuận giá mua thức ăn hay nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và quyết định được giá bán. img

Nhiều nhà quản lý và những người chăn nuôi đều khẳng định, liên kết hay gia công là phương cách "trốn bão giá" hiệu quả và tạo ra lợi nhuận khá. Liên kết lại đồng nghĩa với việc có số lượng lớn heo, gà, vịt hay sữa bò cung cấp cho bên mua, lại ổn định, đảm bảo không đứt nguồn hàng.

Theo ông Nguyễn Minh Khánh - Chủ nhiệm HTX bò sữa Tân Thông Hội, nhờ liên kết chăn nuôi bò sữa mà HTX đã đàm phán được với các công ty cung cấp thức ăn gia súc cho xã viên rẻ hơn giá thị trường đến 10%; có quỹ đất dồi dào do xã viên vào để trồng cỏ cung cấp lượng thức ăn xanh thay vì phải tốn tiền mua hèm bia, xác mì.

"HTX đã đầu tư được máy vắt sữa, bồn lạnh chứa sữa, xe vận chuyển về thẳng nhà máy, nên là đầu mối thu mua sữa cho xã viên tốt nhất với giá luôn ổn định. Sản lượng sữa lớn, chất lượng đồng đều thì các công ty sữa không thể dựa vào những lý do như nhiễm vi sinh, sản lượng không ổn định để trừ tiền như với người chăn nuôi riêng lẻ" - ông Khánh hào hứng cho biết.