Giờ đây, khi giống cây đặc sản của miền Trung và miền Nam lại đơm hoa kết trái trên đất Bắc, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chính gia đình ông Lân và nông dân nơi đây thì ai nấy đều “tâm phục khẩu phục” ông già táo bạo này.
Con đường dẫn về xã Tân Phong rợp màu xanh của những dãy thanh long chạy dài bên đường. Bước vào cổng nhà ông Lân, chúng tôi choáng ngợp bởi hai bên là những giàn thanh long đang đua nhau đâm từng chồi non mập mạp.
Từng đoàn người vào ra nhộn nhịp. Qua lời kể của gia chủ, tôi được biết đó là những vị khách ở các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương… đến để học hỏi cách trồng cây thanh long và mua giống mới về trồng thử. Ông Lân cho hay: Từ hồi ông trồng thành công thanh long ruột đỏ đến nay, có rất nhiều người từ khắp các thị trấn, các huyện lân cận tìm đến để mua giống về trồng. Bình quân mỗi mậm thanh long được bán với giá 10.000 đồng, mỗi trụ cây từ 30.000 - 50.000 đồng.
Ông Lân tâm sự: “Tôi 62 tuổi rồi, cũng đã trồng rất nhiều loại cây nhưng tôi không ngờ trồng cây thanh long ruột đỏ lại hiệu quả cao đến thế”. Vải Thanh Hà, đào thế, cau lợn cọ... là những cây mà ông đã từng trồng, nhưng đều thất bại. Duy nhất chỉ có thanh long ruột đỏ cho ông có nguồn thu nhập dồi dào nhất. Từ lúc ra hoa đến khi quả chín chỉ khoảng 1 tháng, trung bình cây cho 5 lứa quả/năm, giá bán từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Trừ chi phí phân bón, với 5 sào vườn, một năm gia đình ông Lân có thu nhập 50- 60 triệu đồng.
Ông cho biết, trồng thanh long không khó. Chỉ cần xây trụ xi măng, dùng phân chuồng, phân hoá học, trồng khoảng 3-5 nhánh thanh long/trụ. Một năm bón thúc 2 lần (bón thúc mầm và bón thúc quả). Ưu điểm của cây thanh long là khoảng 20 năm mới phải trồng lại một lần.
Chị Hoàng Thị Thuận- cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng cho biết: “Thanh long ruột đỏ là cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân 16 tấn quả/ha/năm, ngon hơn thanh long ruột trắng, dễ tiêu thụ mà giá lại cao. Đặc biệt, cây trồng từ năm thứ 3 trở đi cho năng suất rất cao”.
Mai Trang