Dân Việt

Nơi sự sống hồi sinh

18/03/2011 18:45 GMT+7
(Dân Việt) - Khát vọng sống của con người có lẽ là vô tận. Tôi đã nhận ra được điều kỳ diệu ấy khi đặt chân đến làng phong Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Trong ngôi làng đặc biệt đó, những con người không may mắn cứ âm thầm sống, âm thầm vượt qua số phận và dệt lên những mối tình "huyền thoại" ở nhân gian.

Có lẽ ở làng phong Quỳnh Lập không ai sở hữu bất hạnh nhiều như bà Lữ Thị Hiệu. Bà Hiệu quê tận Quỳ Châu, mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Năm 18 tuổi, bà lấy chồng. Ăn ở với nhau được 3 mặt con thì bỗng một ngày bà phát hiện trên da có những vết đổi màu và mất dần cảm giác. Thời điểm ấy, phong được coi là căn bệnh tử thần reo rắc nỗi kinh hoàng cho mọi người.

img
Vợ chồng ông Đạt - bà Mong hạnh phúc trong tổ ấm được xây lên từ nghị lực và khát vọng.

Tận cùng bất hạnh

Đau đớn vì bị chồng con ruồng rẫy, ghê sợ, bà Hiệu thêm tuyệt vọng khi ông trưởng bản họp dân bàn dựng cho bà một căn chòi tận mãi cuối bìa rừng. Bỏ quê hương, bà lang thang qua nhiều vùng đất rồi dừng chân ở trại phong Quỳnh Lập và gặp được người chồng thứ 2 cũng là một bệnh nhân phong.

Với người chồng thứ 2, bà Hiệu cũng sinh được 3 người con. Người con trai duy nhất cũng phát hiện mắc bệnh phong giống bố mẹ. Cô con gái út khỏe mạnh, đã lập gia đình với một bệnh nhân trong làng, một lần bị người ngoài làng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn nhờ vận chuyển thuốc phiện.

Ngày con gái phải vào trại giam, bà Hiệu trở thành "người mẹ già" của 3 đứa cháu ngoại còn non nớt. Mấy năm nay, làng phong ven biển này đã quen với hình ảnh bà lão hơn 70 tuổi ngày ngày tập tễnh mang từng nải chuối, mớ rau ra chợ bán lấy tiền nuôi 3 đứa cháu ăn học.

Ba trăm nghìn tiền hỗ trợ bệnh nhân phong mỗi tháng, cộng với mấy chục bạc tiền bán chuối, bán rau, bà không dám tiêu đồng nào mà dồn cả vào đóng học cho các cháu. Chỉ 10 nghìn đồng tiền điện vượt trội tháng vừa qua, cũng đủ làm oằn đôi vai già nua, bệnh tật của bà.

Bà Hiệu bảo: "Ba đứa cháu tôi đang học lớp 9, lớp 6 và lớp 1, nếu năm nay không xin được giảm học phí thì phải cho chúng nghỉ học thôi. Tôi thương chúng lắm, nhưng tôi già yếu quá rồi, chẳng thể làm gì thêm được nữa".

Cùng hoàn cảnh bệnh tật như bà Hiệu, để có được 400 nghìn đồng mỗi tháng gửi cho con trai Trịnh Khắc Luân đang học lớp 11 Trường THPT Tĩnh Gia (Thanh Hóa), bà Phạm Thị Ly, 51 tuổi, bị cụt 2 chân vẫn ngày ngày buộc con dao được thiết kế đặc biệt vào bàn tay đã bị rụng hết ngón để thái rau nuôi gà, nuôi chó.

Nhìn bà Ly ra vườn hái rau bằng đôi chân giả rồi thái nắm rau gọn gàng, tôi mới thấy được nghị lực phi thường đang tiềm ẩn trong mỗi con người nơi đây.

img
Bà Phạm Thị Ly thái rau nuôi gà bằng đôi bàn tay không còn ngón.

Ông Trịnh Khắc Lý - chồng bà Ly, dù chỉ còn 1 chân, nhưng vẫn đi sửa xe đạp để kiếm thêm từng đồng tiền còm cõi. Nhờ sự nỗ lực của 2 ông bà mà Luân đã được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. 10 năm liền cậu đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và là niềm tự hào của mẹ cha.

Hạnh phúc nảy mầm

Trong tận cùng của nỗi đau đớn vì bệnh tật và sự kỳ thị của người đời, những con người không may mắn này đã tìm đến với nhau, nương tựa vào nhau để vượt qua số phận. Và cũng từ nơi đây, hạnh phúc đã nảy mầm từ hy sinh, gian khó.

Có đến gần 50 người trong tổng số hơn 200 cán bộ, công nhân viên đang công tác tại Bệnh viện phong Quỳnh Lập là con em hoặc chính các bệnh nhân phong đã khỏi bệnh. Trưởng - phó phòng tổ chức hành chính, chủ tịch - phó chủ tịch công đoàn... đều là con bệnh nhân phong.

Từng là một chiến sĩ trẻ, dũng cảm xông pha ở chiến trường B5 Quảng Trị, năm 1971, ông Trần Quốc Đạt bỗng nhiên phát bệnh. Hoang mang, ông xin ra quân về quê ở Bố Trạch, Quảng Bình. Có người trong họ phát hiện ra ông bị bệnh phong. Dù gia đình giấu kín làng xóm, nhưng ông Đạt vẫn vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Cuối năm 1972, bệnh nặng quá, các bác sĩ đã viết giấy giới thiệu cho ông ra điều trị ở Bệnh viện Phong Quỳnh Lập.

Tại ngôi làng đặc biệt ven bờ biển Quỳnh Dị này, ông Đạt đã được hồi sinh khi gặp và nảy nở tình yêu với bà Nguyễn Thị Mong. Bà Mong là bệnh nhân ngoài Bắc vào. Bệnh bà rất nặng, trực khuẩn Hansen đã cướp đi của bà cả 2 chân và tất cả những ngón tay. Thời điểm đó ông Đạt cũng phải tháo bỏ 1 chân, mức tàn phế độ 1.

Khi 2 người xin tổ chức đám cưới, Ban giám đốc bệnh viện đã nhất quyết không đồng ý. Các bác sĩ sợ rằng những đứa trẻ sinh ra sẽ bị lây bệnh và lại có thêm những mảnh đời bất hạnh. Không đám cưới, ông bà cứ thế về ở với nhau và sinh người con trai đầu lòng vào năm 1979. Năm 1982, ông bà sinh thêm một con gái. May mắn, cả 2 người con đều không bị lây bệnh phong của bố mẹ.

Nhớ lại quãng thời gian cơ cực đó, ông Đạt xúc động: "Thời điểm ấy, vợ chồng tôi đều chưa khỏi bệnh, thân thể lại bị tàn phế, chẳng thể làm được việc gì hơn ngoài trồng mấy ngọn rau, nuôi mấy con gà. Có những lúc thiếu ăn quá, tôi phải chống nạng theo người dân trong huyện đi biển kiếm thêm con tôm, con cá. Người ta thương mình cho đi theo chứ mình có giúp được gì cho người ta đâu. Hai con tôi ngay từ nhỏ đã phải bươn chải, đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ.

Dù cuộc sống cơ cực như vậy, nhưng vợ chồng ông Đạt chưa bao giờ từ bỏ ý nghĩ phải cho các con ăn học thành người. Không phụ tấm lòng của bố mẹ, người con trai Trần Mạnh Hùng đã tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Vinh và hiện đang là chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu. Cô con gái Trần Thị Phúc tốt nghiệp Trường ĐH Y Huế và hiện đang là giảng viên Trường ĐH Y dược Nghệ An. Con dâu, con rể của ông bà là giáo viên tiểu học và kỹ sư thiết kế công trình.

Chưa hết sự cảm phục nghị lực sống của vợ chồng bà Mong ông Đạt, chúng tôi lại thêm một lần ngỡ ngàng khi được ngắm vườn cây cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng của ông Trần Hữu Chạnh, quê Nam Định. Ông Chạnh vào trại phong Quỳnh Lập từ năm 1978.

Khi ông vào trại, hộ lý chăm sóc sức khỏe cho ông là bà Nguyễn Thị Trúc, một người cũng bị bệnh phong và hơn ông 4 tuổi. Sau 1 năm ở trại, tình cảm nảy sinh, ông bà đã tổ chức đám cưới. Thời điểm này, Ban giám đốc bệnh viện đã không còn cấm các bệnh nhân lấy nhau, nhưng vẫn cấm họ sinh con.

Năm 1980, bà Trúc có bầu. Vợ chồng ông bà phải xin ra khỏi viện để sinh nở. Đây là quãng thời gian cơ cực nhất mà ông bà phải trải qua khi không còn trợ cấp của bệnh viện cũng như nơi ăn chốn ở. Lăn lộn với nghề đi rừng đốn củi, các ngón chân, ngón tay của ông bà cứ dần rơi rụng vì bị nhiễm trùng, hoại tử. Nuôi con nhỏ nhưng không ít lần bà Trúc bị say sắn vì không có cơm ăn. Thấy vợ chồng ông bà khổ quá, các bác sĩ bệnh viện lại đi tìm và đưa cả 2 trở lại viện.

Giờ đây, cậu con trai lớn Trần Hữu Đoàn tốt nghiệp Trung cấp Y Nghệ An, hiện đang là cán bộ phòng xét nghiệm của Bệnh viện Phong Quỳnh Lập. Thời gian này, Đoàn cũng đang tiếp tục học đại học ở Huế. Cô con gái Trần Thị Viên (sinh năm 1983) cũng là hộ lý khoa Phong.

Sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, ông Chạnh chọn nghề trồng và tạo giống cây cảnh để có thu nhập. Cũng nhờ nguồn thu này mà vừa qua ông có đủ tiền đi mổ đặt máy tạo nhịp tim, để thêm một lần hồi sinh nơi đất khó.