Dân Việt

Tâm sự của phụ nữ khiếm thị bán chổi nuôi con

20/03/2011 15:46 GMT+7
(Dân Việt) - Căn bệnh sởi không chữa trị kịp thời đã cướp đi của tôi đôi mắt. Vượt qua bóng tối và những năm tháng cùng cực, vất vả, tôi bắt đầu tìm thấy được niềm vui...

Tôi là con út trong một gia đình trí thức nghèo có 7 chị em tại huyện Thạch Thất (Hà Nội). Những năm tháng tuổi thơ, trong khi bạn bè cùng trang lứa được cắp sách đến trường, tôi suốt ngày sống lay lắt trong bóng tối.

Tròn 20 tuổi, tôi kết hôn với một người đàn ông ở huyện Từ Liêm, hơn mình 20 tuổi. Sau một thời gian ở bên ngoại, có đứa con trai đầu lòng, vợ chồng tôi bồng bế con thơ về Phú Diễn (Từ Liêm).

img

Bà Vân trên đường đi bán chổi.

Không một mảnh đất cắm dùi, chẳng có mái lều che mưa nắng, vợ chồng con cái sống tạm bợ, nay đây, mai đó. Đói khổ chịu không thấu, chồng tôi bỏ đi biệt tăm. Bơ vơ, tôi bồng con mò mẫm hết nơi này đến nơi khác, làm tất cả mọi việc miễn sao có thể có miếng ăn qua ngày. Nhờ trời thương, tôi gom góp được một số tiền vừa đủ để mua đất dựng tạm túp lều ngay bên đường 32 làm chỗ nuôi con.

Bên cạnh chẳng có đàn ông, nhiều người bảo cho đứa con đi rồi tự lo liệu dễ hơn, tôi bặm chặt môi: “Không thể!”. Dù bươn chải nhọc nhằn, con tôi vẫn lớn lên. Đến một ngày, bố nó trở về với "thân tàn ma dại". Giữa cảnh đói ăn từng bữa, tôi vẫn có thêm một đứa con gái trước khi ông ấy nhắm mắt xuôi tay. Gánh nặng lại càng nặng hơn với một người mẹ mù như tôi...

Ngày được nhận vào Hội Người mù Từ Liêm, tôi mừng khôn xiết. Lúc đầu, tôi nhận chẻ tăm cho Hội rồi mang đi bán, nhưng mù lòa, nên dao toàn chẻ vào tay. Được hội giúp đỡ, tôi mạnh dạn vay vốn mở một cơ sở sản xuất chổi quét nhà. Thời gian đầu, có khi cả ngày tôi mới làm được một cái chổi. Làm được chổi rồi lại phải lo tìm kiếm đầu ra.

Tôi chống gậy dò dẫm ra tận Ngã Tư Sở và vùng lân cận để bán. Thường ngày, tôi bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng là đến chợ Đồng Xa bán hàng, chiều lại về kết chổi ở chợ Diễn. Khi tiền giấy còn thịnh hành, không ít lần tôi bị người ta lừa gạt, có khi bán cả ngày không được một đồng tiền lời. Giờ đây, tiền polymer từng mệnh giá có kích cỡ khác nhau, nên cầm qua là tôi biết giá trị của nó.

Ngoài kết chổi, tôi còn đan quạt nan để bán, đồng thời "rủ thêm" những người cùng cảnh ngộ tham gia làm. Tôi luôn tự nhủ lòng rằng: "Tuy không may mắn, mất đi đôi mắt, nhưng mình còn đôi tay để làm lấy tiền nuôi các con khôn lớn".

Hai đứa con của tôi nay đã trưởng thành. Đứa con đầu của tôi giờ đã lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định. Cô con gái thứ hai hiện đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Tiếng Anh thương mại, Trường Đại học Ngoại thương. Dù tiền học, tiền sách vở có tốn kém bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng bằng đôi tay và sức lao động của mình tôi sẽ quyết tạo mọi điều kiện để con yên tâm học tập đặng mai này cuộc sống khấm khá hơn.

Giờ đây, mẹ con tôi không còn phải chui rúc trong túp lều chật chội, rách nát mà đã có một ngôi nhà khang trang sau khi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường 32. Với một người kém may mắn như tôi, đó là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được...