Dân Việt

Trồng mít

19/03/2011 18:44 GMT+7
(Dân Việt) - Cây mít quá quen thuộc với chúng ta. Ở đâu cũng có mít. Có người trồng để lấy quả, có người trồng để lấy gỗ. Có nơi còn trồng mít đại trà để lấy lá cho dê ăn... Ở châu Phi, có những nước chuyên trồng mít để lấy hạt làm lương thực. Thế mới biết, cây mít đa dụng lắm.

Mít có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nó đã được con người trồng từ 300 năm trước Công nguyên. Ở ta, suốt từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, đâu đâu cũng thấy mít. Nhà nào cũng muốn có một vài cây mít trong vườn. Nhiều người còn coi mít như là một loại cây bóng mát có lá xanh quanh năm.

Nếu so sánh chất lượng múi mít với xoài và chuối, thì nó không kém, mà giá lại rẻ hơn. Ngoài các chất đường, đạm và nhiều chất khoáng, trong múi mít còn có nhiều vitamin và giàu năng lượng.

Hạt mít cũng chả kém gì gạo. Nó cũng có đủ các chất dinh dưỡng, ăn lại bùi và dễ tiêu. Xơ mít dùng làm rau hoặc muối dưa. Bà con ở Nghệ Tĩnh gọi loại dưa này là nhút, ăn rất ngon. Nhiều gia đình nuôi nhím thường lấy xơ mít cho nhím ăn.

Ngay vỏ mít xù xì như vậy, nhưng nhiều loại vật nuôi cũng ăn được. Còn lá mít để nuôi bò, nuôi dê và nuôi hươu sao.

Riêng gỗ mít thì phải xếp vào loại hảo hạng. Hình như hiện nay nó được sưu tập chủ yếu để tạc tượng và làm các đồ lưu niệm, đồ thờ cúng. Cây mít không bỏ đi bất cứ bộ phận nào của nó.

Mít có 2 giống: Giống mít thường và mít tố nữ. Mít tố nữ quả nhỏ (nhưng mỗi cây có tới hàng trăm quả) và múi đính vào trong lõi. Ta bổ ra và kéo được toàn bộ múi ra dễ dàng. Loại mít này chỉ có ở miền Nam.

Còn mít thường cũng có loại mít dai và mít mật. Mít tuy ngon, ngọt và rất thơm, nhưng người ta ngại ăn, vì quả thường chín vào mùa hè nóng nực. Ăn mít vào có khi lại mọc mụn. Gần đây, có giống mít Thái được đưa vào Việt Nam. Nó có ưu điểm: Sớm cho quả, trồng chỉ một năm rưỡi là được ăn, múi ngọt và nhiều nước.

Cây mít giống Thái có khả năng ra quả nhiều vụ trong năm. Người ta bỏ quả vụ hè mà chỉ để các quả cho vụ thu và vụ đông. Vì vậy, bây giờ Tết cũng có mít. Nhưng muốn thu nhập cao từ mít, thì chúng ta phải trồng nhiều và chế biến thành mít khô. Mít Thái không sấy khô được vì nó không có vỏ lụa, khi sấy sẽ mất màu, mất mùi, trông như miếng khoai, ăn không ngon. Do đó, muốn trồng mít để bán cho các nhà máy chế biến thì ta phải dùng mít Nghệ - giống mít phổ biến của ta. Múi mít Nghệ sau khi sấy vẫn có màu vàng và mùi thơm vừa phải, hợp với ý muốn của khách hàng.

Hiện nay, nhiều tỉnh ở miền Nam và Tây Nguyên đang đẩy mạnh việc trồng mít Nghệ để chế biến. Mỗi hecta thu cả trăm triệu tiền bán quả. Tất nhiên, tuy là giống mít Nghệ, nhưng cũng phải lựa chọn để ghép. Cây ghép vừa mau ra quả, vừa cho năng suất cao.

Muốn có giống tốt, xin liên hệ với chị Hoàng Ngâu - Giám đốc nguyên liệu của Công ty Vinamit qua điện thoại: 0988.650.289.