Dân Việt

Bộ đội đoàn B giỏi giữ rừng

20/03/2011 21:43 GMT+7
(Dân Việt) - Ngoài nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện lực lượng dự bị động viên ở bốn tỉnh vùng Tứ giác Long Xuyên, các đơn vị thuộc Đoàn B đứng chân trên địa bàn hai huyện Hòn Đất và Giang Thành (Kiên Giang) còn lo quản lý, chăm sóc, bảo vệ hơn 4.000ha rừng tràm nguyên sinh.

Vào thăm các chốt canh của Đơn vị 10, nằm trên địa bàn xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất mới thấy hết những khó khăn của anh em.

img
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn B thực hành chữa cháy rừng.

Cực như lính giữ rừng

Đơn vị quản lý gần 1.500ha rừng tràm trên 10 năm tuổi, nhưng khi tham quan cơ ngơi của Phân đội 4, chúng tôi thật sư ngỡ ngàng trước sự "đơn sơ" của lính nơi đây. Ngôi nhà cấp 4 rộng chưa đầy 25m2 là nơi làm việc, sinh hoạt của 9 "nhân khẩu". Phía bên hiên nhà được dựng tạm thêm một gian bằng lá, bên trong 3 chiếc giường tầng bằng sắt kê khít nhau là "tổ ấm" của cả đơn vị.

img Dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết một lòng, vượt lên những khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ đã giúp cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. img

Tài sản đáng giá nhất được thiếu tá Nguyễn Đình Phương - Chính trị viên Phân đội mang ra khoe là chiếc ti vi 7 inch chạy bằng bình ắc quy đã cũ. "Còn chạy tốt lắm, chỉ tội là "kéo bình" nặng quá nên ít khi sử dụng" - anh Phương cười nói.

Các chốt đóng giáp ranh khu vực dân cư còn đỡ, cực nhất là các chốt sâu phía trong. Mặc dù đã có giếng khoan, nhưng nguồn nước nhiễm phèn nặng chỉ có thể tắm giặt, còn nước dùng cho ăn uống phải vận chuyển từ ngoài vào hoặc lắng phèn bằng than rồi nấu chín sử dụng.

Điều kiện đi lại cũng khó khăn không kém, con đường đê bao khu rừng tràm chỉ vừa vặn một chiếc xe Honda. Không đường giao thông, không điện, không nước sạch sinh hoạt, nhưng tất cả vẫn không thể bằng nỗi thiếu thốn về tình cảm, đó là nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

“Thời kỳ cao điểm như hiện nay, có khi 3 tháng mình mới tranh thủ về nhà được 2 ngày. Đường sá xa xôi, về nhà chưa hết “thèm" nỗi nhớ vợ, nhớ con lại phải nhanh chóng trở lại đơn vị" - trung úy Phạm Văn Hoàng - Đại đội trưởng Đại đội 1, Phân đội 5, thuộc Đoàn B tâm sự.

Bám dân, khoanh vùng "điểm nóng"

Quân số ít, địa bàn quản lý rộng, nên chuyện giữ được rừng không phải đơn giản. Mặc dù thời gian qua, các vụ cháy rừng đã giảm đi rất nhiều nhờ hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trên địa bàn đóng quân. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít nỗi lo, bởi không phải người dân nào cũng có ý thức trong việc bảo vệ rừng. Có thể chỉ một chút chủ quan, bất cẩn trong lúc vào rừng bắt cá, bẫy chim, đốt tổ ong... cũng có thể "gây họa".

Chính vì vậy mà ngoài nhiệm vụ tuần tra, canh gác thì mỗi cán bộ, chiến sĩ còn phải biết bám dân, bám địa bàn, khoanh vùng "điểm nóng" để kịp thời ngăn chặn những hành vi xâm nhập rừng trái phép.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm - Chính trị viên Tiểu đoàn 6 chia sẻ: "Khu vực rừng của đơn vị tiếp giáp với đất ruộng của dân hơn phân nửa, nên chỉ cần sơ sẩy một chút là xem như "trắng tay”. Bởi vậy, chúng tôi luôn tạo mối đoàn kết giúp đỡ nhân dân từ con cá, bát gạo hay hỗ trợ lực lượng khi thu hoạch lúa, hoa màu... Mình có san sẻ, giúp đỡ dân thì dân mới tin tưởng và nhiệt tình giúp mình".

Trong những năm qua, các diện tích rừng do Đơn vị 10 quản lý luôn đảm bảo an toàn, chưa xảy ra vụ cháy nào nghiêm trọng.

Chia tay những người lính giữ rừng vùng biên giới Tây Nam trên con đê ngoằn ngoèo bụi tung mù mịt, chúng tôi thấy phía sau một cánh rừng tràm nở đầy hoa.