Nguy cơ mù loà từ bệnh glôcôm
Nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh Glôcôm khi đi khám mắt. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Mắt T.Ư). |
Bệnh glôcôm còn gọi là bệnh thiên đầu thống, là một trong hai nguyên nhân hàng đầu gây mù loà vĩnh viễn. Glôcôm là căn bệnh nguy hiểm, gây đau nhức mắt dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn không thể hồi phục. Tuy nhiên, bệnh Glôcôm có thể phòng tránh được bằng cách phát hiện, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên.
Khảo sát mới đây của Tổ chức Y tế thế giới tại châu Á cho thấy, nhận thức của người dân trong khu vực về căn bệnh này còn quá thấp. Chỉ 54% số người được hỏi nói biết đến căn bệnh này.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, 95% người dân Việt Nam chưa hề biết đến căn bệnh nguy hiểm này. Nhiều người trong số đó không được tiếp cận với dịch vụ y tế, do đó khi phát hiện bệnh, nhập viện bệnh tình đã quá nặng, không thể cứu chữa.
Theo một nghiên cứu mới đây của Khoa Glôcôm - Bệnh viện Mắt Trung ương, khoảng 31,7 - 33,1% bệnh nhân mắc bệnh glôcôm là do tự ý tra thuốc nhỏ mắt corticoid kéo dài (số người ở độ tuổi lao động từ 25 - 59 tuổi chiếm 63,1%). Đây là kết quả đáng báo động do tùy tiện dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid. Nhiều bệnh nhân đến điều trị, nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, nên nguy cơ tái phát rất cao.
Phát hiện sớm để giảm thiểu tác hại
Nhóm có nguy cơ mắc bệnh glôcôm cao nhất là những người trên 35 tuổi, là ruột thịt với bệnh nhân glôcôm, có tiền sử sử dụng corticoid toàn thân hoặc nhỏ mắt kéo dài, có bệnh mãn tính như đái tháo đường, cao huyết áp. Bệnh glôcôm thường khởi phát lúc chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách.
Trong trường hợp bệnh cấp có thể thấy xuất hiện một số triệu chứng như mắt đau đột ngột, đau dữ dội thành từng cơn lan lên nửa đầu cùng bên. Bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng.
Bên cạnh đó bệnh nhân có thể bị sốt, người vã mồ hôi, buồn nôn, đau bụng, mắt đỏ, nhìn mờ ở mọi góc độ. Nhìn bên ngoài có thể thấy mắt sưng, phù nề, ánh nhìn mờ đục, mắt đỏ cương tụ rìa. Khi thấy những triệu chứng như trên người bệnh cần nhập viện ngay để được khám mắt, đo nhãn áp kịp thời để hạ nhãn áp, tránh mù loà.
Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân bị glôcôm xuất hiện những triệu chứng âm thầm, bệnh tiến triển chậm trong thời gian dài, nên khó nhận thấy. Thường thì với những bệnh nhân này nguy cơ mù loà cao hơn. Hiện nay, việc điều trị glôcôm có thể xem là một cấp cứu nhãn khoa. Bệnh cần phải được điều trị ngay bằng cách tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp.
Hiện trên thị trường có bán nhiều loại thuốc hạ nhãn áp với những chế độ tác động khác nhau như: Pilocarpin 1%, Timolol, Oftan timolol 0,25%, Betoptic S, Alphagan P 0,15%... các thuốc này cũng cần được sử dụng chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
Tuy nhiên, biện pháp hữu hiệu nhất để điều trị bệnh glôcôm là người dân cần phải chủ động, nhận diện bệnh. Nếu thấy mắt có hiện tượng như trên cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị nhằm kiểm soát diễn biến của bệnh, hạn chế tổn hại gây giảm thị lực mắt.
TS Đào Hường Lâm - Bệnh viện Mắt T.Ư