Dân Việt

Xem “Bi, đừng sợ”: Quý hơn cuộc sống của mình

21/03/2011 06:54 GMT+7
(Dân Việt) - Phim không dễ xem và khó hấp dẫn khán giả trẻ, khó thuyết phục những người thích kiểu cốt truyện cụ thể. Nhưng một cách lặng lẽ, xem phim và ngẫm, có thể thấy vài điều đáng nghĩ về hiện tại.

Đạo diễn Phan Đăng Di hẳn có ấn tượng rất sâu với những cuộc đời phụ nữ từng hiện ra trong mắt anh. Và có lẽ những ấn tượng đầy cảm thông ấy đã đến sớm từ những người phụ nữ trong gia đình, họ tộc của anh?

img
Cảnh trong phim "Bi, đừng sợ!"

Khổ thân phụ nữ!

Nữ giới trong "Bi, đừng sợ" rất buồn, mòn mỏi và bất an. Bà vú già (NSƯT Mai Châu đóng) và phảng phất từ đó là bà nội của Bi, đợi ông nội của Bi cả đời, mà ông (NSND Trần Tiến đóng) thì đi đây đi đó, có khi cả chục năm. Lần cuối cùng ông trở về với gia đình bé nhỏ, có lẽ cũng là khi "bại trận", mỏi cánh, về di dưỡng những ngày bệnh tật cuối cùng để rồi… chết.

Tác giả kịch bản Phan Đăng Di vốn là người tôn trọng đời sống nên nhân vật Bi - trẻ con không bị sa vào "chủ nghĩa xoa đầu". Cũng như bộ phim và các nhân vật đảm bảo được sự nhất quán trong cách thể hiện.

Mẹ của Bi (diễn viên Kiều Trinh) chiều chiều gọi điện đợi chồng về ăn cơm dù biết rằng chiều nào máy cũng khoá, và phải tối sập, chồng (Hà Phong) mới về trong men bia, đầu tóc lại gội sạch, thơm tho một cách đáng ngờ. Cô của Bi (Hoa Thuý) đã quá tuổi, vừa hồi hộp vừa e dè trước mối quan hệ khác giới.

Những con người như thế, vừa an phận, vừa mong manh chờ đợi để duy trì gia đình, duy trì đời sống. Trong quan niệm chung, đời sống cần được tiếp nối, trôi chảy, nhưng với họ, chẳng biết thế nào - có lẽ đó chỉ là nghĩa vụ!

Thực ra, trong phim “Bi, đừng sợ”, đàn ông cũng chẳng sung sướng gì! Ông nội và bố của Bi thật khó gần gũi, chia sẻ. Giữa họ luôn có khoảng cách. Đời sống của bố Bi như vô hướng và tìm lối thoát chỉ bằng cách chìm vào những giải toả đời sống cá nhân một cách vô tình.

Những số phận ấy quây lại với nhau thành một góc đời sống, vừa ràng buộc, vừa như rệu rã, trong cái oi nồng, uể oải của thời tiết, trong sự chịu đựng và tự gặm nhấm của bản thân. Âm thanh phố phường ồn ã, những giọt mồ hôi, những khuôn mặt ướt át, mệt mỏi, những cục nước đá và những cách sử dụng nước, nước đá cho cơn đau, cơn say… càng đối chiếu để thấy rõ hơn sự bức bối của đời sống.

Trẻ con - Cứu tinh của đời sống!

Nhưng chỉ như thế thì đạo diễn thành bi quan và phim "dạy" con người ta "chán sống". Trong phim và cũng là trong đời sống như mòn tẻ này, lúc nào cũng lấp lánh những thiên thần để cứu chuộc tội lỗi và sự nhầm lẫn. Sự hồn nhiên, vụng dại của Bi (bé Phan Thành Minh đóng) làm chùng lại những căng thẳng và mệt mỏi của các nhân vật.

Có Bi, ông nội "kéo lại" được vài nụ cười và niềm vui cuối cùng, cô có một chút an ủi, mẹ mơ hồ có một chỗ dựa tinh thần, và cuộc sống có trẻ con thì thêm một lý do để trôi chảy, để mỉm cười dù rất ít.

Ở đây, chênh vênh một ranh giới giữa việc thể hiện trẻ con đúng tâm sinh lý, đặc điểm tính cách của chúng và từ đó đạt hiệu quả truyền tải, với sự gượng ép, cố "nặn" ra một đứa trẻ mang những ngôn ngữ, cử chỉ như của "người lớn dạy", để rồi trông thì có vẻ thật mà hoá ra là "trẻ con giả".

Nhưng để ý suốt phim, có nhiều cảnh Bi với mọi người, với mẹ, với cô, với ông, bà vú, với các công nhân xưởng đá, lũ trẻ và những người ngoài bãi sông, còn tịnh không một lúc nào có Bi với bố, ngoại trừ liên hệ duy nhất khi đêm bố về, mở tủ đập đá, thấy khối đá mờ mờ trong đó những chiếc lá phong Bi đã thả vào khay. Sự liên hệ ông nội - bố Bi - Bi, mơ hồ một quy luật về sự trả giá?

Ông đã xa cách gia đình và dù cuối đời gặp lại cũng không có được tình cảm bố - con trai mình. Còn bố cũng đang lặp lại cuộc sống ấy trong chính gia đình mình. Dường như đang lơ lửng một lời nhắc nhở như chuyện cổ tích "Cái sọt": Cẩn thận đấy, nếu anh đưa bố ra khỏi nhà bằng một cái sọt thì rồi đây chính con trai anh sẽ đưa anh đi bằng cái sọt ấy.