Dân Việt

Đề văn thời sự, sát thực tế

03/06/2013 08:35 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT gây ấn tượng với học sinh và phụ huynh ở... đề thi. Đề ngữ văn và đề hoá được đánh giá là hay và... dễ.

Giúp học sinh quan tâm hơn chuyện xã hội

Vừa “toát mồ hôi” với buổi đầu thi môn văn, thí sinh Bùi Ngọc Quang (tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Phú Yên) cho hay: “Đề thi môn văn có trong chương trình lớp 12. Em chỉ hơi bối rối với câu 2: “Nêu suy nghĩ về hành động dũng cảm của một học sinh lớp 12 ở Nghệ An hy sinh thân mình để cứu 4 học sinh cấp 2 ngày 30.4.2013”.

Đợt đó em lo học thi nên không đọc báo. Tuy nhiên, em viết cảm nhận theo đúng suy nghĩ của mình, đó là một hành động đáng khâm phục. Em hơi bị hồi hộp nhưng cũng đã học kỹ các môn nên tin tưởng vượt qua kỳ thi này”.

img
Đề thi văn năm nay được cho là mang tính thời sự, sát với thực tiễn nên các thí sinh tỏ ra phấn khởi sau khi làm bài.

Thầy Đào Tấn Trực - giáo viên văn Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An, Phú Yên), nhận xét: “Độ khó của đề thi văn ở mức trung bình. Câu nghị luận xã hội (câu 2) bám sát vấn đề thực tế vừa xảy ra, phù hợp với sự quan tâm của tuổi học trò 12. Đề thi hay vì đã “táo bạo” lấy câu chuyện vừa xảy ra trong thực tế. Đề thi này góp phần giúp cho thí sinh quan tâm hơn chuyện xã hội và… siêng đọc báo.

Tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (Yên Thành, Nghệ An) thí sinh Vũ Văn Huệ lớp 12A5 trường THPT Yên Thành 2 cho biết: “Câu hỏi nghị luận của đề thi lấy từ chuyện người thực là bạn Nguyễn Văn Nam, lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương 1 đã quên mình cứu 5 em nhỏ khỏi chết đuối. Lần đầu tiên chúng em được viết về một người bạn bằng tuổi mình. Nếu không tai nạn, hẳn bạn cũng đang thi cùng chúng em”.

Thạc sĩ văn học Trần Đăng Lộc –Giáo viên Trường THPT Yên Thành 2 nhận xét: “Theo tôi nghĩ, đưa nội dung này vào bài thi có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Đặc biệt hơn đây lại là tấm gương dũng cảm, hành động đẹp hy sinh cứu người của ngay chính một học sinh lớp 12, vừa xảy ra ngay thời gian các em học sinh chuẩn bị đi thi”

Cô Đỗ Thu Hằng- giáo viên văn Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) bày tỏ: “Cái hay của đề nghị luận xã hội là vừa mang tính thời sự vừa mang tính giáo dục, nhân văn. Những suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh trong bài viết sẽ giúp các em trưởng thành trên con đường hoàn thiện nhân cách”.

Đề hóa rất dễ!

Đó là nhận định của cô giáo dạy hóa Nguyễn Thị Hoa Mỹ Trường THPT Đào Duy Từ - Hà Nội. Theo cô Mỹ, đề thi môn hóa năm nay tương đối dễ, kiến thức rất cơ bản, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Các câu hỏi phần bài tập và phần lý thuyết không có câu nào đánh đố học sinh. Tuy nhiên, trong phần lý thuyết có 2 câu hỏi, nếu thí sinh không chú ý sẽ dễ mất điểm.

Thí sinh Phan Văn Hà ở điểm thi THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP.Vinh nhận xét: Đề thi môn hóa năm nay khá dễ, với cấu trúc và câu hỏi hoàn toàn nằm trong chương trình phổ thông. Không những các bạn học ban A mà dân khối C bọn em cũng làm được 80-90%.

Tại điểm thi của Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông (Hà Nội), phần lớn thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng hồ hởi vì đề thi dễ. Thí sinh Đỗ Việt Hải, THPT Lê Quý Đôn, nhận định, đề thi năm nay vừa sức học, học sinh trung bình cũng có thể làm được và tự tin mình có thể đạt 8-9 điểm.

Cùng chung tâm trạng phấn chấn như Hải, Đào Thị Thanh Huyền (THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông) cho hay, em chỉ mất 2/3 thời gian để làm xong bài thi.“Đề năm nay khó ở phần kim loại. Em mất 20 phút mới giải xong”, Huyền chia sẻ. 

Nhiều thí sinh đi muộn, quên giấy tờ

Dù đã được nhắc nhở nhiều lần, một học sinh nữ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hà Nội) vẫn không mang theo thẻ dự thi, chứng minh nhân dân. Thí sinh này cũng không nhớ số điện thoại người thân để có thể gọi về nhà. Sát giờ phát đề, hội đồng thi quyết định cho em viết bản cam kết và bổ sung giấy tờ trong môn thi buổi chiều, nếu không thí sinh này sẽ bị lập biên bản và đình chỉ thi.

Trong 2 buổi thi đầu có rất nhiều học sinh đi muộn. Đặc biệt tại Hội đồng coi thi Trường THPT dân lập Hermann Gmeiner (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) một thí sinh do ngủ dậy muộn đã đến dự thi trễ 1 tiếng đồng hồ và không được dự thi. Còn tại điểm thi Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội), dù đã vào giờ thi vẫn có nhiều phụ huynh mang chứng minh nhân dân đến trường vì con để quên ở nhà.

Đã có giáo viên phản ánh tiêu cực thi cử

Chiều 2.6, ông Đỗ Việt Khoa - Giáo viên Trường THPT Thường Tín, Hà Nội cho biết, theo quan sát của ông thì công tác chuẩn bị cho thi tốt nghiệp có chuyên nghiệp hơn, việc làm bài thi và thi cử của các thí sinh khá nghiêm túc. “Mặc dù vậy tôi vẫn thấy có một số các sai phạm liên quan tới quy chế thi. Tình trạng phổ biến nhất vẫn là vi phạm liên quan tới việc thí sinh mang phao thi vào phòng thi. Tuy nhiên, tôi cũng có nguồn tin riêng cho biết, kết thúc ngày thi đầu tại một số hội đồng thi có tình trạng các thầy cô giải bài tập thể cho thí sinh chép. Tôi đã gửi thông tin phản ánh tới cơ quan chức năng và đang chờ cơ quan chức năng có ý kiến, làm rõ”- ông Khoa nói.